Phim chiếu rạp: Nóng nghi vấn cạnh tranh thiếu lành mạnh

Có vẻ như một cuộc chiến về hạn chế cạnh tranh lại ám ảnh thị trường phim chiếu rạp.

Năm 2010, MegaStar từng bị cáo buộc sử dụng quyền lực thị trường từ việc nắm quyền phát hành (đối với phim nhập khẩu) để gia tăng lợi thế cho các rạp chiếu phim của mình.

Và hiện nay, dư luận đang quan tâm đến việc CGV bị cáo buộc sử dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường rạp chiếu phim để áp đặt giá bất hợp lý lên các nhà phát hành, giúp mảng kinh doanh phát hành (phim trong nước) của mình tận thu.

Hai vụ việc trên cần được phân tích dưới góc độ của hành vi bóp nghẹt lợi nhuận, một hành vi bị nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật cạnh tranh phát triển coi là phạm pháp.

Bài viết được đăng tải trên báo Thời nay, một ấn phẩm của báo Nhân dân.

Bài viết được đăng tải trên báo Thời nay, một ấn phẩm của báo Nhân dân.

Đó là hành vi của một doanh nghiệp có tham gia cạnh tranh trên cả thị trường đầu nguồn và thị trường cuối nguồn, có sự lạm dụng vị trí thống lĩnh sẵn có trên thị trường đầu nguồn để nâng giá đến sát mức giá bán sản phẩm trên thị trường cuối nguồn.

Khách hàng tại thị trường đầu nguồn - đồng thời là đối thủ cạnh tranh trên thị trường cuối nguồn - của doanh nghiệp đó sẽ bị thu hẹp biên độ lợi nhuận vì bị áp giá đầu vào cao nhưng giữ giá đầu ra ở mức cạnh tranh.

Kết quả là doanh nghiệp vi phạm sẽ trở thành thống lĩnh hay độc quyền hóa luôn tại thị trường cuối nguồn.

Trong vụ việc liên quan đến CGV hiện nay, có thể thấy một số dấu hiệu của hiện tượng một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường đầu nguồn cung cấp dịch vụ rạp chiếu phim, đồng thời cạnh tranh trên thị trường cuối nguồn là thị trường phát hành phim với những nhà phát hành khác đang phải phụ thuộc vào hệ thống rạp chiếu của nó.

Và các nhà phát hành đó đang than phiền khi bị áp đặt mức giá theo họ là trái lẽ thông thường.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng, để từ những dấu hiệu đó đi đến kết luận về hạn chế cạnh tranh còn một quãng đường dài, trong khi Luật Cạnh tranh của Việt Nam lại chưa quy định rõ ràng về hành vi bóp nghẹt lợi nhuận.

Giải pháp trước mắt có lẽ nên là vận dụng những quy định hiện có của Luật Cạnh tranh để chia nhỏ đánh giá từng yếu tố cụ thể của vụ việc. Trong vụ việc cụ thể này, có thể thực hiện việc điều tra, khảo sát để tìm hiểu xem có các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm tại Điều 13 của Luật hay không.

Trong đó khoản 1 liên quan đến việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vị dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; Khoản 2 liên quan đến áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; khoản 4 liên quan đến Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Về lâu dài, không thể trì hoãn việc sửa đổi Luật Cạnh tranh để phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như đòi hỏi của thực tiễn môi trường cạnh tranh trong nước.

Nếu không ngừng hoàn thiện các luật chơi, và, quan trọng hơn, thực thi chúng một cách không khoan nhượng, thì chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến những vụ việc như trên đây không ngẫu nhiên mà lặp lại trong tương lai, với tần suất nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, và không giới hạn chỉ ở trong ngành điện ảnh.

Theo Thời Nay - Báo Nhân Dân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/phim-chieu-rap-nong-nghi-van-canh-tranh-thieu-lanh-manh-3313334/