Phim kỷ niệm cũng hấp dẫn

Phim về Bác Hồ cũng có những cảnh rượt đuổi như trong phim hành động. Phim về Thái tổ Lý Công Uẩn úp mở về diễn viên chính. Đó là một vài “chiêu thức” thị trường mà các nhà làm “phim kỷ niệm” gần đây áp dụng để tạo sự hấp dẫn, tránh cảnh hết dịp kỷ niệm thì phim xếp kho.

Cũng là “phim kỷ niệm”, nhưng khác với đa số tác phẩm cùng loại, những phim như Đừng đốt, Long thành cầm giả thu hút được khá đông người xem. Những bộ phim này được đánh giá là không chỉ là mang yếu tố tuyên truyền mà còn đạt được thành công nghệ thuật nhất định và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Có được kết quả đó là do đạo diễn, nhà sản xuất có tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch hợp lý ngay từ khi bắt đầu. Thay đổi quan niệm Làm thế nào để “phim kỷ niệm” không phải cất kho? “Đầu tiên, phim phải có những yếu tố hấp dẫn được khán giả, từ kịch bản, diễn viên đến những cảnh quay. Ngoài ra, dù là phim gì đi chăng nữa thì vẫn cần mang hơi thở cuộc sống và tạo cảm giác hồi hộp cho khán giả”, đạo diễn Tuấn Dũng nhận xét. Còn theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Quyền Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, phải xác định đó là tác phẩm điện ảnh, cần hội đủ các yếu tố để thu hút người xem. “Đừng nghĩ làm phim về đề tài Bác Hồ là phim chính trị. Tất nhiên, những tư tưởng, hành động của Người, như trong bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải chẳng hạn, đều toát lên tố chất của người lãnh tụ. Nhưng con người của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ đó cũng có tình yêu, lúc vui thì hát, lúc buồn thì khóc…”. Để cố gắng thoát khỏi định kiến cứ làm phim về Bác là phim chính trị, ông Hưng cho biết, Hãng phim đã hư cấu một số tình tiết như cảnh rượt đuổi của mật thám với Nguyễn Ái Quốc, không khác gì các cảnh quay của phim hành động. “Chắc chắn khi xem các cảnh quay này, khán giả sẽ có cảm giác hồi hộp, lo sợ… Tiết tấu phim cũng sẽ rất nhanh, vì phim có tới 118 bối cảnh, 1.500 cảnh quay”, ông Hưng nói. Việc úp mở diễn viên chính khi casting diễn viên cho phim kỷ niệm cũng là cách để thu hút sự quan tâm của khán giả. Chẳng hạn, theo ông Hưng, trong phim Vượt qua bến Thượng Hải có sự xuất hiện của nhân vật lịch sử Nguyễn Lương Bằng, và người thủ vai nhân vật này là Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài Chính - Nguyễn Tiến Thỏa. Trong thực tế, ông Hưng cho biết, ông Thỏa chỉ đi haingày với đoàn làm phim, chứ không phải bỏ việc đi hai tháng rồi mất chức như có thông tin do báo chí nêu. Nhưng những rùm beng về vụ này, theo ông Hưng, có thể hiểu là một cách quảng bá nhanh nhất và hữu hiệu nhất tới công chúng. Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng lưu ý, việc làm này rủi ro rất cao. Ví dụ, những diễn viên đang “hot” như vậy đóng những nhân vật chủ chốt của bộ phim mắc vào một scandal nào đó thì phim phải dừng chiếu ngay. Điều này khiến các đạo diễn, nhà làm phim phải cân nhắc rất nhiều. Thiệt thòi vì không được PR Phim kỷ niệm lâu nay thường không hay vì nhiều nguyên nhân, chẳng hạn theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, hầu hết kịch bản cho các bộ phim này đều rất dở. Tuy nhiên, có một khía cạnh trước đây ít được chú ý, là khâu PR cho sản phẩm. Theo đạo diễn Phước Sang, để “phim kỷ niệm” không bị cất kho, các đạo diễn cũng như nhà làm phim phải tìm hiểu thị kỹ trường, có kế hoạch “PR ngay từ trong trứng”. Không nên xác định phim chỉ phục vụ cho các ngày lễ trong năm mà phải xác định phục vụ công chúng trong bất kỳ thời điểm nào thì cách làm sẽ khác. Thực tế, hầu hết sản phẩm của Nhà nước không có xu nào cho việc PR. Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đây là một hạn chế và cũng là thiệt thòi cho sản phẩm. Do đó, Nhà nước cần có định hướng trong vấn đề này. Ông Nguyễn Xuân Hưng cũng băn khoăn về cơ chế:“Nếu là phim được Nhà nước tài trợ từ đầu chí cuối, làm xong, báo cáo Nhà nước là xong, không cần lo khâu phát hành, thì đâu cần phải bỏ tiền ra thuê công ty truyền thông quảng bá cho phim?”. Thanh Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Phim-ky-niem-cung-hap-dan/20105/94838.datviet