Phim Tết từng gây 'cú sốc' trên màn ảnh Việt

TPO - Tạo nên cơn sốt phòng vé chưa từng có vào năm 2003, bộ phim “Gái nhảy” đạt doanh thu 12 tỷ đồng được ví như “cú sốc” của màn ảnh Việt và mở đầu cho thời kỳ phim thương mại.

Bộ phim "Gái nhảy" từng tạo nên cơn sốt phòng vé.

Có thể nói, dòng phim thị trường chính thức được hồi sinh và khái niệm phim Tết của màn ảnh Việt cũng ra đời từ thành công bất ngờ của “ Gái nhảy ”. Bộ phim do đạo diễn Lê Hoàng dàn dựng đạt doanh thu “khủng” nhờ có những đột phá lớn, đánh đúng thị hiếu khán giả mà sau này đã trở thành công thức chuẩn cho những bộ phim thị trường: Nội dung táo bạo, diễn viên bắt mắt, tiết tấu nhanh và có sự trau chuốt cho phần hình ảnh, âm nhạc.

Minh Thư gắn với hình ảnh "gái làng chơi" trong phim Gái nhảy.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đạo diễn, và ngay cả đạo diễn Lê Hoàng cũng phải thừa nhận, “Gái nhảy” đã đem lại doanh thu cao nhưng về phương diện nghệ thuật, còn bộc lộ quá nhiều lỗ hổng. Trên thực tế, giới điện ảnh quốc tế ngày càng biết đến phim Việt Nam, nhưng chính là nhờ những tác phẩm có doanh thu thấp như: Thương nhớ đồng quê, Ngã ba đồng lộc, Đời cát, Mùa ổi… chứ không phải Gái nhảy. Bộ phim này từng tham gia Liên hoan Phim Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 48 ở Iran nhưng không gây được sự chú ý nào đáng kể, bởi đề tài phim chỉ mới mẻ ở Việt Nam thời điểm đó.

Khi “Gái nhảy” ra mắt kéo theo một loạt những bộ phim kết cấu tương tự như: Những cô gái chân dài, Công nghệ lăng xê… đã tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề phim thị trường.

Lúc đó, nhà phê bình Đức Kôn có một tham luận khá gay gắt về vấn đề phim thương mại. Ông cho rằng những người làm phim, cả quốc doanh và tư nhân, đều nung nấu một ước mơ "cháy bỏng" là làm sao để ra mắt một bộ phim ăn khách. Họ chỉ vì đồng tiền mà chạy theo những thị hiếu tầm thường khiến khán giả "tử tế" phải đỏ mặt. "Họ lợi dụng sự dễ dãi, nham nhở và đa tạp của đại chúng để cho ra đời những “thương phẩm” tạp nham với mục đích vừa móc túi họ, vừa vuốt ve đầu độc họ. Đó không chỉ là một trò đùa vui thiếu văn hóa mà còn là một sự phá hoại, phản lại một nền nghệ thuật tử tế", ông Kôn nói.

Ca sĩ Quang Dũng tham gia Gái nhảy phần 2.

Còn đạo diễn, NSND Huy Thành, Tổng thư ký Hội điện ảnh TP HCM lại có ý kiến: "Đừng gọi phim “Gái nhảy” là phim thương mại theo cái nghĩa xem thường về đẳng cấp. Những người làm phim này đã làm được cái việc thu hút đông đảo người xem vốn đã lãng quên không khí thánh đường của điện ảnh ở các rạp chiếu từ hàng chục năm nay. Điện ảnh Việt Nam tồn tại hay không tồn tại, không thể tách rời chuyện thu hút khán giả làm quen lại, dẫn đến nghiện xem phim ở rạp như thuở nào. Quan tâm và coi trọng tính thương mại không đồng nghĩa với việc thương mại hóa giá trị sản phẩm".

Dù gì, bộ phim “Gái nhảy” gây được tiếng vang lớn vào những năm đầu 2000. “Gái nhảy” luôn đứng đầu bảng xếp hạng phim tết của điện ảnh Việt Nam từ trước tới nay. Nhắc đến thành công củaphim, không thể không nhắc đến dàn diễn viên: Mỹ Duyên, Minh Thư, Bằng Lăng - những người đã góp phần tạo nên hiện tượng “Gái nhảy” trong thời gian dài.

Minh Thư gắn với hình ảnh "gái làng chơi" trong phim Gái nhảy.

Ca sĩ Quang Dũng tham gia Gái nhảy phần 2.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/phim-tet-tung-gay-cu-soc-tren-man-anh-viet-967996.tpo