Phim Tin vào điều không thể: Lại chuyện "anh em sinh đôi"?

PN - Khi bộ phim dài tập Tin vào điều không thể (đang phát sóng vào 21g trên VTV3) lên sóng những tập đầu tiên, trên một số diễn đàn về điện ảnh, đã có không ít khán giả nghi ngờ vì có khá nhiều yếu tố tương tự bộ phim Cảm ơn anh đã yêu em (tên tiếng Anh là Thank you for having love me) của Trung Quốc (TQ), đã từng phát sóng trên HTV7.

Chúng tôi lần theo đường link trên các diễn đàn để xem tóm tắt nội dung bộ phim Cảm ơn anh đã yêu em thì thấy, bộ phim này gần như trùng khớp với Tin vào điều không thể về đường dây cốt truyện. Nhân vật trung tâm của hai phim đều là nữ nhà báo phụ trách một tờ tạp chí (ở phim TQ là Vũ Vy còn ở phim VN là Tường Vy). Khi tạp chí gặp khó khăn, sắp phải đóng cửa, thì được giám đốc một công ty đứng ra thu nạp. Rồi tình cảm giữa cô nhà báo và giám đốc nảy sinh. Vợ giám đốc phát hiện mối tình vụng trộm này và khéo léo ngăn cản. Một cảnh trong phim "Tin vào điều không thể" Cô nhà báo còn được đến hai anh chàng khác yêu, trong đó có anh phó giám đốc công ty. Để quên đi tình cảm với giám đốc và chiều lòng mẹ, cô chấp nhận yêu phó giám đốc. Nhưng khi cô sắp đính hôn thì vị giám đốc lại tìm đến cô, vì anh phát hiện vợ đã lừa dối mình về việc mang thai. Không chỉ tuyến nhân vật nhà báo với mối tình "tay tư”, mà các mối quan hệ khác đều có sự giống hệt nhau giữa hai bộ phim: bố cô nhà báo bỏ mẹ cô để lấy một cô làm nghề dọn vệ sinh; hay chàng trai trẻ theo đuổi cô nhà báo chính là con của anh vợ giám đốc... Dĩ nhiên, có những nhân vật ở phim VN không có như phim TQ, nhưng về cơ bản, đường dây kịch bản rất giống nhau. Ngoài ra, còn có nhiều chi tiết sao y, như việc cô nhà báo đến nhà giám đốc chơi thì cô vợ giám đốc dẫn tham quan phòng ngủ của hai vợ chồng; hay việc cô nhà báo nhiều lần tìm gặp bố để tìm hiểu nguyên nhân về cuộc chia tay của bố mẹ. Nhiều tình huống và câu thoại cũng giống nhau đến kỳ lạ. Dĩ nhiên, vai diễn cô nhà báo do ngôi sao điện ảnh Triệu Vy đóng hấp dẫn hơn nhiều so với vai Vy do Ngọc Oanh thể hiện. Khi chúng tôi gọi điện cho đạo diễn Vũ Hồng Sơn (ĐD của phim Tin vào điều không thể) thì anh cho biết, đây là kịch bản đã được Việt hóa. Trên phần giới thiệu phim có đề "tác giả chuyển thể: Vũ Thu Dung". Tuy nhiên, trên phim không có thông tin kịch bản chuyển thể từ tác phẩm nào, của ai, hay "Việt hóa" từ kịch bản mua bản quyền của nước nào... Trong khi các phim "Việt hóa" phát sóng trên VTV như Cô gái xấu xí hay Cô nàng bất đắc dĩ đều ghi rõ trên generic xuất xứ tác phẩm. Rõ ràng đã có chuyện "lập lờ" ở đây. Theo thông tin chúng tôi có được, tác giả Thu Dung đã "Việt hóa" kịch bản theo "đặt hàng" của ĐD - NSND Khải Hưng - Giám đốc K.H Phim (đơn vị đứng tên sản xuất phim này). Ông Hưng đưa cho Vũ Thu Dung "list kịch bản" để cô "Việt hóa", và Vũ Thu Dung không hề nghi ngờ về bản quyền kịch bản, cho đến lúc có thông tin về vụ việc này. Việc hai phim giống nhau vì cùng chuyển thể từ một tác phẩm văn học là không có cơ sở. Biên kịch Vương Huệ Linh cho báo Nhân Dân Buổi tối của Trung Quốc (ra ngày 9/6/2006) biết, bộ phim Cảm ơn anh đã yêu em là sản phẩm đầu tiên bà hợp tác với những nhà làm phim TQ, kịch bản do bà tự viết trong ba năm, không hợp tác với người khác. Bà là biên kịch nổi tiếng với những bộ phim luôn đi kèm với tên tuổi của đạo diễn Lý An, như: Ngọa hổ tàng long, Ẩm thực nam nữ, Hoa Mộc Lan... và là đồng tác giả phim Sắc giới... Trên thực tế, hiện nay, một số đơn vị sản xuất phim đang sử dụng kịch bản được viết bằng cách xem phim nước ngoài và chép thành đề cương kịch bản, sau đó gắn mác "Việt hóa" mà không hề có bản quyền. Cách làm này vừa vi phạm các quy định về bản quyền, vừa đánh lừa khán giả. Và các nghệ sĩ VN nghĩ gì nếu phía nước bạn phát hiện ra việc này? Sau "đạo nhạc", phải chăng đến lúc "đạo phim"? Đáng tiếc là nhiều người trong đoàn phim đã từ chối câu hỏi của chúng tôi liên quan đến việc này. Các hãng phim tư nhân đang hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa phim truyền hình nên càng cần những kịch bản hấp dẫn. Nhưng không thể cứ khó khăn là phải tìm kiếm kịch bản bằng cách này. Long Nghệ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/giaitri/2009/Pages/phim-tin-vao-dieu-khong-the-lai-chuyen-anh-em-sinh-doi.aspx