Phim về nạn ấu dâm thắng Oscar: Từ đời thực đến màn ảnh

“Spotlight” là tác phẩm nhận giải "Phim truyện" và "Kịch bản xuất sắc" tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá lần thứ 88.

Spotlight kể lại chiến công báo chí của nhóm phóng viên điều tra tại tờ The Boston Globe. Năm 2001, họ quyết tâm phanh phui nạn ấu dâm trong giới Nhà thờ Công giáo tại thành phố Boston, nước Mỹ. Sau đó, loạt phóng sự giúp họ nhận được giải thưởng báo chí cao quý Pulitzer.

Spotlight có 6 đề cử quan trọng tại Oscar 2016. Phim cũng mới có chiến thắng vang dội tại giải thưởng điện ảnh Tinh thần Độc lập năm nay. Ảnh: Open Road Films

Trong năm 2015, đạo diễn Tom McCarthy quyết định đưa cuộc điều tra từng khiến dư luận toàn thế giới chấn động lên màn ảnh rộng. Được giới phê bình ca ngợi, Spotlight nhận 6 đề cử Oscar, và cuối cùng thắng giải Phim truyện xuất sắc. Trang HistoryvsHollywood đưa ra những so sánh về những gì từng thực sự xảy ra ở ngoài đời với bộ phim.

Điều gì đã khiến tờ Boston Globe quyết định điều tra nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong giới Nhà thờ Công giáo La Mã tại Boston, Mỹ?

Cuối tháng 7/2001, biên tập viên Marty Baron của tờ báo (do Liev Schreiber thể hiện trong phim) đã kiên quyết tìm hiểu sâu hơn về những án kiện một tu sĩ tham gia lạm dụng tình dục được nhắc đến trong mục của nhà báo Eileen McNamara. Khi ấy, ông mới chuyển từ tờ Miami Herald đến công tác tại Boston Globe. Sau khi biết rằng tòa án đã niêm phong tài liệu xét xử để giữ kín thông tin cá nhân của vị tu sĩ, Baron càng quyết tâm đưa sự thật ra ánh sáng.

Hình ảnh biên tập viên Marty Baron trên phim do hôn phu của Naomi Watts thể hiện và ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood

Walter Robinson, người dẫn đầu đội điều tra Spotlight do Michael Keaton thể hiện, từng nói rằng: “Ở Florida, mọi thứ đều có vẻ công khai”, như muốn ám chỉ rằng Marty Baron chưa quen với cung cách làm việc kín đáo tại Boston.

Sau khi tìm được thông tin, Marty Baron chỉ đạo đội phóng viên điều tra mang tên Spotlight theo sát vị cha xứ John Geoghan, kẻ đã lạm dụng nhiều giáo dân trẻ tuổi và bắt họ giữ bí mật trong suốt 30 năm trời. Song, Geoghan thực chất mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Bao nhiêu vị mục sư đã bị nhóm Spotlight phát hiện có nhiều năm dính líu tới nạn lạm dụng tình dục tại Boston?

“Khi đó rất nhiều, rất nhiều mục sư khác, khoảng 15 đến 20 người đã phạm tội tương tự”, Walter Robinson tiết lộ. “Nhưng Tòa Giám mục đã che giấu tội ác của họ bằng những thỏa thuận bí mật. Đến cuối cuộc điều tra, chúng tôi biết được có gần 250 mục sư ở Boston đã lạm dụng tình dục trẻ em suốt nhiều thập kỷ”. Nhà thờ đã thuyên chuyển nhiều tăng lữ sang các giáo phận khác để tránh bị chính quyền phát hiện.

Có đúng là một vị mục sư đã thú tội với Sacha Pfeiffer?

Giống như trong phim, Ronald H. Paquin đã thú nhận với phóng viên Sacha Pfeiffer (do Rachel McAdams thể hiện) về việc lạm dụng các bé trai ở hai giáo xứ cho đến năm 1989, tức một năm trước khi hắn bị Tòa Giám mục cách chức.

Rachel McAdams bên cạnh nữ phóng viên Sacha Pfeiffer, người mà cô thể hiện trong bộ phim Spotlight. Ảnh: HistoryvsHollywood

Mức án dành cho Paquin là 15 năm tù. Hắn cho biết: “Đúng, tôi có động tay động chân, nhưng chưa bao giờ cưỡng bức bất cứ ai, và cũng không thấy vui vẻ gì với chuyện đó”. Bản thân Paquin cũng từng bị cưỡng bức bởi một vị mục sư khi còn là thiếu niên. Cuộc phỏng vấn của Pfeiffer thực chất diễn ra trong căn hộ của hắn, chứ không phải trước cửa nhà như trong phim.

Nhà thờ Công giáo ở Boston có thực sự quyền lực như bộ phim miêu tả không?

Walter Robinson ngoài đời đã chứng thực về quyền lực chính trị to lớn của nhà thờ nơi đây. Ông tiết lộ: “Họ luôn gây áp lực với những cơ quan báo chí như tờ The Boston Globe. Bạn luôn phải rất, rất cẩn thận bởi sức mạnh của nhà thờ là cực kỳ khó lường. Chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu liên quan”.

Nhà thờ Công giáo cảm thấy thế nào khi bộ phim Spotlight đề cập lại bê bối tình dục này?

Hồng y Giáo chủ của Boston là Sean P. O’Malley, người lên nắm quyền năm 2003 sau vị tiền nhiệm đáng xấu hổ Bernard F. Law, cho rằng Spotlight đã miêu tả “quãng thời gian vô cùng đau đớn” trong lịch sử nhà thờ. Chuỗi phóng sự hồi đầu thế kỷ từng khiến họ “phải xử lý những điều nhục nhã bị giấu kín.” Một phát ngôn viên của O’Malley cho biết ngài tổng giám mục không ngăn cản mọi người theo dõi bộ phim.

Vị Hồng y Giáo chủ cũng nhấn mạnh cam kết sẽ xóa sổ những mục sư phạm tội ra khỏi nhà thờ. Ông phát biểu: “Tòa Giám mục Boston cam đoan sẽ không tha thứ cho bất cứ vụ lạm dụng trẻ em nào nữa”.

Tỷ lệ lạm dụng tình dục trong giới Nhà thờ Công giáo có cao hơn trong xã hội không?

Câu trả lời là không. Tỷ lệ nạn ấu dâm trong các Nhà thờ Công giáo là khoảng 6% vào năm 2002, tương đương với tỷ lệ bên ngoài xã hội như được nhắc tới trong phim. Song, những cố gắng che đậy của một số thành viên trong giới tăng lữ khiến sự việc thêm phần bi kịch.

Có phải các phóng viên của nhóm Spotlight không phải là người mộ đạo?

Đúng vậy. Đội ngũ biên kịch nhận ra rằng nếu để một trong số các nhân vật phóng viên mang niềm tin tôn giáo sẽ giúp bộ phim trở nên kịch tính hơn. Nhưng trên thực tế, không ai trong nhóm Spotlight sùng đạo cả.

Tất cả các phóng viên điều tra đều theo Công giáo nhưng không đi lễ. Sau cuộc điều tra năm 2001, một số phóng viên cảm thấy không thể quay lại với tôn giáo nữa, như Walter Robinson cho biết: “Khi ấy, tôi là con chiên nhưng không đi nhà thờ. Còn hiện tại, tôi hoàn toàn cách xa tôn giáo”.

Michael Keaton bên cạnh Walter Robinson - trưởng nhóm phóng viên Spotlight ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood

Sau khi vụ việc được công khai, có nhiều nạn nhân tìm đến nhóm Spotlight không?

Nhóm phóng viên Spotlight ngoài đời đã phỏng vấn khoảng 30-40 nạn nhân trong quá trình điều tra, và những buổi phỏng vấn ấy đều gây tác động rất mạnh đến tâm tư người làm báo. Khi câu chuyện được nhắc tới trong những buổi đi lễ đầu năm 2002, nhiều nạn nhân khác đã ra mặt bởi họ cảm thấy mình không còn cô đơn.

“Trong vòng hai tháng, chúng tôi nhận được những cuộc gọi từ hơn 300 nạn nhân chỉ trong giáo phận Boston”, Robinson hồi tưởng. Họ đều là nạn nhân trong quá khứ và từng không dám nói ra sự thật vì quá sợ hãi.

Nhà thờ Công giáo đã cách chức những giám mục che đậy tội ác chưa?

Mặc dù biên tập viên Marty Baron khá hài lòng với những động thái ý nghĩa từ phía nhà thờ, nhưng ông vẫn cho rằng họ đã mất quá nhiều thời gian trước khi chỉ định một tòa án để xử lý các giám mục tham gia bao che cho những tên mục sư lạm dụng trẻ em trong giáo khu của mình.

“Đã 14 năm trôi qua, chuyện này lẽ ra phải được quyết định từ lâu lắm rồi”, Baron phát biểu khi nói về quyết định chỉ định tòa án hồi mùa hè 2015. “Rõ ràng đây là vấn đề mà nhà thờ vẫn đang cố ghìm lại”.

Thể hiện phóng viên

Michael Rezendes

trên màn ảnh, Mark Ruffalo nhận đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 2016. Ảnh: HistoryvsHollywood

Câu chuyện có đem về cho nhóm Spotlight giải thưởng báo chí nào không?

Ngoài đời thực, đội ngũ Spotlight đã nhận giải thưởng Pulitzer cao quý vào năm 2003 cho hàng loạt những bài báo về bê bối lạm dụng tình dục trẻ em tại các nhà thờ Công giáo, cũng như việc bao che có hệ thống cho những tội ác ấy.

Những phóng viên và biên tập viên tham gia cuộc điều tra có góp phần thực hiện bộ phim không?

Tất nhiên là có. Đạo diễn kiêm biên kịch của Spotlight là Tom McCarthy cho biết: “Chúng tôi phỏng vấn từng người trong số họ về những thời điểm giống nhau, để so sánh câu chuyện đã xảy ra từ 11 năm trước. Những gì trong phim được kể từ lời của họ, của chúng tôi, hoặc cả hai. Các phóng viên và biên tập viên ấy đều đã đọc tất cả những bản thảo được chúng tôi gửi tới”.

“Dĩ nhiên tôi rất lo lắng khi ý tưởng làm phim được đưa ra”, nữ phóng viên Sacha Pfeiffer ngoài đời thổ lộ. “Nhưng kịch bản theo rất sát những gì đã diễn ra, và có rất ít chi tiết bị thay đổi. Nên tôi nghĩ họ đã tạo ra một câu chuyện chân thực, đúng với lịch sử, và tôi rất trân trọng điều đó”.

Tuấn Lương (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phim-ve-nan-au-dam-tranh-oscar-tu-doi-thuc-den-man-anh-post630043.html