Phình Giàng đã khác xưa

(VH)- Đứng ở trung tâm xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), phóng tầm mắt, thấy thấp thoáng những căn nhà lợp ngói, lợp tôn hoặc prôximăng ánh lên trong nắng xuân ấm áp. Dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn Phình Giàng đã “thay da đổi thịt”.

Già làng Vàng Gà Mua, bản Xa Vua A cho biết, cách đây hơn chục năm, muốn đến được Phình Giàng phải đi bộ theo đường mòn cả ngày. Cán bộ ra huyện họp thường đi từ hôm trước, mùa khô đi dép rọ, mùa mưa đi ủng. Trong chiếc túi thổ cẩm mang theo bao giờ cũng có cơm trộn sắn, một gói muối ớt, bình đựng nước uống... Đường dốc nối dốc, mùa mưa, nước suối dâng cao, chảy ngang đường, nên việc khách bộ hành nghỉ lại dọc đường là chuyện bình thường. Bây giờ, con đường mòn độc đạo với nhiều ổ gà, ổ voi ngày nào nay được Nhà nước đầu tư kinh phí mở rộng, cắt cua, hạ thấp độ dốc, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ là ra đến trung tâm huyện. Phần lớn các gia đình trong bản Xa Vua A mua sắm xe máy làm phương tiện đi lại, nhiều có tới 2 - 3 xe máy. Già làng Mua nói: “Đồng bào Mông bản Xa Vua A sống đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn; nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”. Với lợi thế đất đồi núi, có nhiều cây dại và đồng cỏ rộng lớn, bà con mua trâu bò làm sức cày kéo vừa nuôi sinh sản. Từ chỗ chăn nuôi theo kinh nghiệm, thả gia súc vào rừng, nay bà con làm chuồng nhốt, che chắn cẩn thận, đảm bảo ấm áp khi đông đến, thoáng mát vào mùa hè. Nhiều gia đình dành khoảng đất rộng trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. Đời sống của người dân đã sung túc hơn Mặc dù đến thời điểm này, Phình Giàng chưa có điện lưới quốc gia nhưng Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ dầu hỏa, muối iốt cho bà con. Bình quân mỗi nhân khẩu được cấp 5 lít dầu và 2 kg muối/năm. Lường trước những khó khăn do điều kiện địa lý, tiểu vùng khí hậu, lãnh đạo xã Phình Giàng tham mưu cơ quan chức năng chở dầu, muối cấp phát đầy đủ trong những tháng mùa khô. Bí thư Đảng ủy Cháng Chứ Sao khoe rằng: Tầm này sang năm, nhà báo trở lại đây công tác sẽ được thấy ánh điện sáng mường. Hiện nay, đơn vị thi công đang đổ cột, đào hố chôn cột điện. Chúng tôi hiểu sự hồ hởi của ông Sao, vì có điện lưới phục vụ sinh hoạt, con đường xây dựng nông thôn mới của Phình Giàng sẽ nhanh và mạnh hơn. Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án, nhờ đó hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, phục vụ lợi ích nhân dân. Hiện nay, đường giao thông đã mở tới 12/12 bản, tuy chưa thành “xã lộ”, nhưng đủ rộng, bớt dốc dựng, xe máy của thương nhân có thể vào tận nơi thu mua hàng nông sản. Đồng bào các dân tộc Phình Giàng xác định, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ là cần thiết, nhưng không phải tất cả. Vì vậy, bà con tận dụng tốt thời cơ để vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Từ giữa năm 2009 đến tay, Phình Giàng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xóa nhà tạm theo Quyết định 167/CP của Chính phủ. Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi là 26,4 triệu đồng/hộ nghèo. Bà con vay mượn thêm ngân hàng, anh em làm nhà khang trang, tổng giá trị 30 - 40 triệu đồng/căn nhà. Cùng lúc có nhiều gia đình nghèo làm nhà theo Quyết định 167/CP, UBND xã Phình Giàng chỉ đạo, huy động các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc giúp đỡ công, của. Bên cạnh đó, xã ban hành quy chế cấm khai thác gỗ tại những cánh rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn nước, rừng gần bản, cây cổ thụ ven đường lớn lấy gỗ làm nhà. Với cách làm đồng bộ, quyết liệt, đã có trên 150 gia đình nghèo của xã đón Tết Nguyên đán Canh Dần trong những căn nhà mới khang trang, đảm bảo khung cứng, nền cứng và mái cứng. Trần Văn Toại

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/doisong/24162.vho