Phổ biến, giáo dục pháp luật: Nên xuất phát từ nhu cầu người dân

(HNMO) – Thảo luận về dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật chiều 17/11, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành luật nhưng nhấn mạnh, luật cần phải được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của người dân, người học, trong đó chú trọng các quy định giúp hình thành thói quen tôn trọng pháp luật của người dân.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật về dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật và cho rằng, với đặc thù của nước ta, việc ra đời của luật này là cần thiết.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự luật còn chung chung, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân, người học, những quy định về nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu còn bó hẹp trong việc truyền đạt thông tin về nội dung văn bản pháp luật đến các đối tượng, làm hạn chế hiệu quả của công tác này.

Phổ biến, giáo dục pháp luật nên được đưa vào từ bậc học mầm non

Các đại biểu đề nghị, dự luật cần đưa vào hơi thở cuộc sống, các điều luật cần xuất phát từ nhu cầu của người dân, người học, trong đó chú trọng các quy định hình thành thói quen tôn trọng pháp luật.

Các đại biểu cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về cách thức để công dân được tiếp cận pháp luật, làm rõ chủ thể, khách thể của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; bổ sung hoạt động “tuyên truyền pháp luật”, quy định quyền được thông tin về pháp luật của công dân, đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân; bổ sung việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đã bị mất quyền hoặc tạm mất quyền công dân, bị đưa vào trường giáo dưỡng.

Một số đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh hai đối tượng là học sinh, sinh viên trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo để xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của từng cấp học cho phù hợp.

Về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu tán thành với tờ trình nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng: thứ nhất là phải phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi công dân; thứ hai là phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù. Đồng thời, cần xác định thứ tự ưu tiên những loại văn bản pháp luật nào cần phải phổ biến trước và cho những đối tượng nào, thời gian, phạm vi, địa điểm cho phù hợp. Trong khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật đối với tất cả các văn bản pháp luật thì nên quy định việc ưu tiên phổ biến giáo dục những văn bản sát với đời sống của nhân dân, như luật dân sự, luật hình sự, luật giao thông đường bộ…

Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cũng cần đưa ra hình thức giáo dục pháp luật cụ thể đối với từng đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, các đối tượng còn hạn chế về tiếng nói và chữ viết.

Về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể để huy động nguồn lực xã hội. Vì vậy, cần có cơ chế thúc đẩy xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định cụ thể về chế độ ưu đãi, chính sách nhà nước và các biện pháp cụ thể khác nhằm thúc đẩy và bảo đảm cho việc xã hội hóa, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận các văn bản pháp luật khi có nhu cầu.

Về Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, một số ý kiến đề nghị, cần quy định cơ cấu tổ chức, thành phần của Hội đồng này ngay trong dự thảo Luật, không giao cho Chính phủ, đồng thời quy định cụ thể cấp nào cần thành lập Hội đồng này; quy định rõ về Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục ở xã, phường…

Các đại biểu cũng nhất trí nên có ngày pháp luật, coi đây là dịp để giáo dục cả xã hội, tạo nếp sống, ý thức thực thi pháp luật.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chinh-tri/530377/pho-bien-giao-duc-phap-luat-nen-xuat-phat-tu-nhu-cau-nguoi-dan.htm/