Phó Chủ tịch UB TƯMTTQ VN Nguyễn Văn Pha: Kỳ vọng, mong muốn của nhân dân thì còn nhiều

Sau cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây về hiệp thương và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ VN Nguyễn Văn Pha đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện riêng về vấn đề này từ góc nhìn của một người đã tham gia thực hiện công tác hiệp thương nhiều khóa Quốc hội trong những năm qua.

Phó chủ tịch Nguyễn Văn Pha.

PV: Thưa ông, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã xong vòng hiệp thương thứ nhất, từ kinh nghiệp của người thực hiện công tác này nhiều khóa Quốc hội liên tiếp vừa qua, ông cảm nhận không khí của lần chuẩn bị tiến tới bầu cử Quốc hội lần này thế nào?

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha: Chúng ta đang trong quá trình ngày càng dân chủ hóa, đồng thời phấn đấu cho một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cho nên Quốc hội ngày càng phải thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Chất lượng hoạt động của Quốc hội chỉ đạt tới mục tiêu ấy nếu quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội đảm bảo chọn được người có đủ tài đức ra gánh vác việc dân việc nước như Bác Hồ đã bố cáo với quốc dân đồng bào từ năm 1946 khi chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I. Qua Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, tôi cảm nhận rất rõ không khí sôi nổi, thẳng thắn, công tâm và trách nhiệm của các đại biểu tham gia hiệp thương. Không khí trong xã hội, trong nhân dân cũng đang rất quan tâm tới sự kiện chính trị quan trọng này. Trong bối cảnh dân chủ ngày càng được mở rộng, đây phải nói là một tín hiệu tất yếu và đáng mừng.

Trong những khóa gần đây ngày càng có nhiều hơn những người tự ứng cử. Về mặt lý thuyết cũng như ông đã nhiều lần trả lời báo chí, thì không có sự phân biệt giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử. Nhưng trong xã hội và ngay tại các hội nghị hiệp thương, điều khiến nhiều người băn khoăn là tỉ lệ người tự ứng cử trúng cử trong những năm qua không nhiều, thậm chí có thể đã không lọt ngay từ các vòng hiệp thương. Ông lý giải thế nào về điều này?

- Hiện nay, qui trình hiệp thương đều được thực hiện chặt chẽ theo đúng qui định của pháp luật. Để có một danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (bao gồm cả giới thiệu và tự ứng cử) để nhân dân quyết định lựa chọn bằng lá phiếu của mình, sẽ phải trải qua 3 hội nghị hiệp thương, mỗi hội nghị có một nhiệm vụ riêng. Như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vừa rồi là để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử. Điều này cho phép cơ quan, tổ chức, đơn vị có căn cứ để được giới thiệu người ứng cử, giới thiệu bao nhiêu người. Các hội nghị hiệp thương tiếp theo đều căn cứ trên cái nền cơ bản đó để xem xét, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Ở cả cấp trung ương và địa phương, các hội nghị hiệp thương về cơ bản đều có thảo luận kỹ, dân chủ để đi đến nhất trí. Cũng có nhiều trường hợp người tự ứng cử chưa trúng cử do chưa có đủ số phiếu hoặc chưa có đủ sự nhất trí tại các vòng hiệp thương. Nhưng cũng phải thấy trong những năm qua có những đại biểu Quốc hội là người tự ứng cử đã thể hiện khá ấn tượng trong vai trò là người đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Cá nhân tôi cho rằng nếu người tự ứng cử mà có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo qui định của pháp luật để được nhất trí thông qua tại các vòng hiệp thương của Mặt trận thì cơ hội trúng cử là bình đẳng. Cử tri chắc chắn sẽ lựa chọn nếu những người tự ứng cử đủ sức thuyết phục họ.

Điểm mới nổi bật của kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới mà cho đến thời điểm này ông có thể nhận thấy là ở chỗ nào, thưa ông?

- Chúng ta phải thấy rằng kỳ vọng, mong muốn của nhân dân thì còn rất nhiều. Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất vừa rồi, vẫn còn những kiến nghị nhiều hơn những gì chúng ta đang dự kiến như tăng thêm tỷ lệ người ngoài Đảng, tăng thêm khối doanh nhân, người dân tộc thiểu số…Trong điều kiện đại biểu Quốc hội ở nước ta còn chưa phải là hoàn toàn 100% chuyên trách, thì mọi thay đổi về cơ cấu, thành phần… vẫn đang được thực hiện nhưng cũng không thể ngay lập tức đạt tới mọi kỳ vọng được. Ví dụ lần này khối Chính phủ chỉ có 18 đại biểu, trong đó bao gồm 3 cơ quan báo chí lớn. Thường trực Chính phủ và các bộ ngành chỉ còn 15 đại biểu trên con số gần 30 bộ. Như thế khối hành pháp ở trung ương cũng không phải là nhiều; tôi được biết việc giảm sẽ được thực hiện ở các địa phương. Với ba chức năng lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, việc có một tỷ lệ vừa phải khối hành pháp trong Quốc hội là cần thiết, giúp cho Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chất lượng hoạt động Quốc hội được quyết định bởi chính việc lựa chọn đại biểu Quốc hội, có thể hiểu như vậy được không thưa ông? Nhân dân sẽ lựa chọn đại biểu theo nguyện vọng của họ, phải không ạ?

- Điều này chắc không cần phải bàn cãi. Chất lượng hoạt động Quốc hội, bao gồm cả việc làm luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao sẽ không cao nếu đại biểu phản ánh chưa đầy đủ, chính xác nguyện vọng của nhân dân. Bởi vì chính sách phải được bắt nguồn từ nguyện vọng của nhân dân, phục vụ và đảm bảo cho quyền lợi của nhân dân.

Thưa ông, như vậy có cần phải quá đề cao trình độ của đại biểu Quốc hội không khi nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân bao gồm nhiều trình độ khác nhau, phù hợp với nhiều vùng miền khác nhau, trong khi quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân đều phải được đảm bảo công bằng như nhau?

- Pháp luật được xây dựng trên cơ sở để mọi công dân đều bình đẳng trước nó và cơ sở pháp lý ấy phải nhận được sự đồng thuận căn bản của xã hội. Việc đảm bảo có đủ cơ cấu thành phần hiện nay trong Quốc hội chính là để đảm bảo cho mọi nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội khác nhau. Tôi cũng nghĩ rằng đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải là những người có trình độ chuyên môn hay bằng cấp cao. Điều cần thiết là những tiêu chuẩn và phẩm chất để hình thành nên trình độ của một đại biểu Quốc hội đáp ứng đúng kỳ vọng của nhân dân chứ không phải là trình độ được xác nhận ở bằng cấp. Năng lực làm đại biểu Quốc hội không hề dễ dàng gì. Tôi nói ví dụ các đại biểu Quốc hội khi chất vấn thì không phải hỏi cho cá nhân họ mà họ đang thay mặt nhân dân để chất vấn. Đó là một ý thức phải được rèn luyện thường trực.

Như vậy, các vòng hiệp thương hiện nay phải đảm bảo lựa chọn được những người ứng cử đủ năng lực và phẩm chất của một đại biểu Quốc hội. Đây có phải là áp lực của Ủy ban TƯMTTQ VN và Mặt trận các địa phương – nơi có vai trò tổ chức các hội nghị hiệp thương - không, thưa ông?

- Đây là vai trò, trách nhiệm lớn của MTTQ VN để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Tôi không dám nói rằng mọi hội nghị hiệp thương đều đưa ra được những lựa chọn chính xác. Có những đại biểu Quốc hội khóa XIII mà chính MTTQ lại là nơi phải tổ chức hội nghị để đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu vẫn đang là bài học đắt giá. Rồi một số đại biểu có thể chưa vi phạm để đến mức phải đề nghị bãi nhiệm nhưng chất lượng hoạt động chưa cao cũng cho thấy công tác hiệp thương ở một số nơi còn chưa chính xác, hiệu quả. Mỗi kỳ chuẩn bị cho bầu cử Đại biểu Quốc hội là lúc MTTQ Việt Nam phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Tôi hy vọng chúng ta sẽ lựa chọn được nhiều hơn, phát hiện được nhiều hơn những người có đủ tài đức tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội lần này.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Anh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/pho-chu-tich-ub-tumttq-vn-nguyen-van-pha-ky-vong-mong-muon-cua-nhan-dan-thi-con-nhieu/90101