Phố đi bộ Hà Nội: Hiệu quả đâu chỉ đo bằng tiền

Theo thống kê sơ bộ, trong đợt nghỉ lễ vừa rồi việc thí điểm không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và các phố đi bộ tại Hà Nội đã thu hút được hơn 200 ngàn lượt khách, đạt doanh thu hơn 500 tỉ đồng. Bước đầu không gian đi bộ ở Thủ đô được đánh giá là mang lại những kết quả tích cực. Song để hoạt động này đi vào nề nếp, có lẽ cũng cần nhiều thời gian.

Du khách tại không gian phố đi bộ Hà Nội.

Chưa chuyên nghiệp

Trước khi triển khai thí điểm phố đi bộ, công tác chuẩn bị đã được TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm chuẩn bị chu tất. Từ khâu trông giữ xe, bố trí nhà vệ sinh, phủ sóng wifi miễn phí, tăng thêm nhà vệ sinh, rồi vận động người dân khu phố cổ mở cửa miễn phí nhà vệ sinh phục vụ du khách; hỗ trợ khách du lịch… Nhưng rõ ràng là hiệu quả chưa được như mong đợi.

Ông Đinh Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm xác nhận có tình trạng nêu trên. Theo đó, về đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, tại một số thời điểm, cũng như tại một số chốt trực còn buông lỏng kiểm tra không kiên quyết chặt chẽ nên còn xảy ra tình trạng phương tiện cơ giới cố tình đi vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; một số nút giao vẫn còn xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ; một số hộ dân trên tuyến phố lợi dụng tổ chức trông giữ xe trái phép, thu phí trông giữ quá quy định tại số 38-40 Hai Bà Trưng, Cầu Gỗ, Hàng Gai...Do lượng du khách đến tham quan không gian đi bộ rất đông, cùng với ý thức của nhân dân chưa cao nên còn có hiện tượng vứt rác ra hè, lòng đường nhất là khu vực trước cửa hàng kem Thủy Tạ và kem Tràng Tiền gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến không gian công cộng.

Văn hóa phố đi bộ: Chuyện lâu dài

Ghi nhận tại tuyến phố đi bộ Mã Mây những ngày qua, vào buổi tối cả một con phố đèn hoa nhộn nhịp hẳn lên khi các hàng ăn đêm đồng loạt hoạt động. Nhưng thỉnh thoảng khách du lịch lại một phen giật mình bởi đang ngó nghiêng ngắm nghía bỗng đâu nhân viên các quán xá nhảy ra giữa đường chèo kéo, mời chào du khách. Lại nhớ có một kinh nghiệm của đồng nghiệp đã chia sẻ từ nhiều năm trước, ấy là đi qua ngõ Cấm Chỉ- Hà Nội mà không muốn bị mời mọc nhiệt tình quá, hãy cứ ngậm sẵn một...cây tăm trong miệng. Bây giờ kinh nghiệm ấy đem áp dụng ở những phố đi bộ- ẩm thực buổi tối thấy vẫn còn tác dụng, nghĩa là văn hóa phố đi bộ nhiều năm qua chưa được cải thiện là bao nhiêu. Những du khách nước ngoài mà chúng tôi gặp trên con phố này tỏ ra rất hào hứng với phố đi bộ về đêm. Mỗi người trong số họ khám phá Hà Nội theo những cách riêng, có thể là thưởng thức một cốc bia hơi vỉa hè, một chai nước suối, một bịch nước mía... hay là dừng chân ở ngã tư góc phố Lương Ngọc Quyến- Mã Mây nghe hát Xẩm. Nhưng có lẽ chẳng ai trong số họ cảm thấy thú vị khi đang ăn, đang nghe hát...chốc chốc lại có những người bán hàng rong len lỏi mời chào mua bông ngoáy tai, dây đeo chìa khóa, bấm móng tay...

Rồi trong khi du khách thì hào hứng với phố đi bộ, nhưng người dân sinh sống trong lòng phố cổ không phải ai cũng hài lòng. Có người còn dửng dưng. Có lẽ họ chưa thấy lợi ích của cá nhân, chưa thấy được lợi ích của một không gian không gian sống không khói xe, còi hú...Còn điều này nữa, cũng do có phố đi bộ Hà Nội được mở rộng thêm, người người, nhà nhà đổ về ngắm phố, mới thấy sao mà Hà Nội lại… đông người quá thể. Đông đến chừng ấy mà lâu nay xe máy ô tô vẫn chen chúc quanh Hồ Gươm thì khói thải nhiều biết bao nhiêu.

Bà Trần Thúy Lan- Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng cho hay, khó khăn mới đầu là có một số hộ dân chưa thực sự đồng tình, nhưng sau khi BQL giải thích và đóng góp đưa ra ý kiến phù hợp nay họ cũng vui vẻ đồng thuận. Sắp tới BQL sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND quận Hoàn Kiếm giải quyết tốt những vấn đề có thể phát sinh thêm trong quá trình thực hiện phố đi bộ.

Trong câu chuyện với những nhà nghiên cứu về Hà Nội, hoặc những người yêu Hà Nội, ai cũng đồng tình cho rằng việc tổ chức phố đi bộ là chủ trương tốt, thậm chí nếu làm được lẽ ra thành phố nên triển khai từ sớm chứ không phải chờ đến bây giờ. Dẫu vậy, mọi sự đổi thay chưa thể có kết quả ngay lập tức. Chỉ biết rằng việc mở rộng không gian đi bộ ở Hà Nội và quanh Hồ Gươm ít nhất là người ta có thói quen dành quyền cho người đi bộ trong đô thị. Do đó, để tạo thói quen cũng như hình thành văn hóa đi bộ, trước mắt cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thấy được lợi ích của phố đi bộ. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mong rằng trong thời gian sớm nhất có thể, không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận sẽ được tổ chức bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Hiệu quả thu được từ phố đi bộ, ngoài doanh thu tiền tỉ phải là những dấu ấn đọng lại về một không gian sống đẹp đẽ, về văn hóa ứng xử văn minh thanh lịch của người Thủ đô; văn hóa ẩm thực Hà thành. Hơn thế là sự hiểu biết thêm về danh lam thắng cảnh cũng như giá trị của di tích lịch sử đất Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến.

Vi Cầm - Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/pho-di-bo-ha-noi-hieu-qua-dau-chi-do-bang-tien/120185