Phố đi bộ hút khách du lịch

TP.HCM có hơn 10 triệu dân, đang phát huy giá trị những tuyến phố đi bộ đặc trưng thu hút và đáp ứng nhu cầu văn hóa, vui chơi, mua sắm... của người dân và du khách. Đến nay, TP.HCM có 5 tuyến phố đi bộ. Trong đó, nổi bật là 2 tuyến phố Nguyễn Huệ và Bùi Viện ở quận 1.

Từ khi khánh thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành “văn hóa” không thể thiếu của người Sài Gòn. Hàng ngày đều có hàng ngàn bạn trẻ, du khách trong và ngoài nước đến đây đi dạo, thư giãn và tham gia các hoạt động ngoài trời lành mạnh như biểu diễn nghệ thuật đường phố, đọc sách, tán gẫu, thưởng thức nhiều món ăn vặt lề đường hay những thương hiệu ẩm thực nổi tiếng như McDonald's, Starbucks, Ngon Asia House, CEleven Cafe, Le castella, Gong Cha, Sharetea... Ngoài ra, thời trang cao cấp cũng chiếm lĩnh khu phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chính vì vậy, nơi đây trở thành khu tập trung của nhiều tầng lớp nhất tại TP.HCM.

Thực tế cho thấy, TP.HCM hiện có nhiều khu phố đi bộ được xây dựng. Nhưng để có được một nơi ảnh hưởng, một địa điểm trung tâm đẹp đẽ, thu hút sự quan tâm đặc biệt về du lịch như phố đi bộ Nguyễn Huệ, quả là bước tiến đáng kể đối với TP.HCM. Không chỉ đem về lợi nhuận kinh tế, phố đi bộ Nguyễn Huệ còn mang tới sự phấn khích với những trải nghiệm mới mẻ bởi các trò chơi giải trí hiện đại từ những công trình kiến trúc mang hơi hướng châu Âu như: Hệ thống nhạc nước lung linh, đầy màu sắc, khách sạn Rex, Trung tâm thương mại Vincom, Saigon Garden…

Bạn Đỗ Thanh Hải, sinh viên Đại học TP.HCM cho biết :"Tôi đã từng tham quan nhiều con phố đi bộ tại Việt Nam, tuy nhiên, không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ có rất nhiều hoạt động giải trí mang hơi hướng hiện đại, các bạn trẻ nhảy, hát, biểu diễn ảo thuật hay chụp ảnh dạo... tạo ra nét hiện đại, trẻ trung đặc trưng của Sài Gòn nhộn nhịp”.

Anh PhiLip Tran, một du khách Việt kiều Mỹ chia sẻ: “Khi về đến Việt Nam cùng gia đình, chúng tôi quyết định ghé thăm phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nơi đây mang nét văn hóa vừa truyền thống vừa hiện đại của Sài Gòn, rất thích thú”.

Mới đây, phố Tây Bùi Viện cũng được chuẩn bị khánh thành đáp ứng nhu cầu làm điểm đến của khách du lịch nước ngoài nói chung, cũng như người dân địa phương nói riêng. Vốn đặc thù là địa điểm ăn chơi, tụ tập của du khách Tây, thế nhưng, từ khi được sửa chữa và dần hoàn thiện, đi vào vận hành, Bùi Viện thu hút đông đảo giới trẻ địa phương hội tụ, vui chơi giải trí. Đặc biệt, mặc dù mới đi vào thử nghiệm nhưng theo ghi nhận của quận, doanh số các hộ kinh doanh ở khu vực này tăng lên đáng kể, tăng đến 50% so với trước đây.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Để so sánh với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ ở đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão hoàn toàn mang tính đặc thù riêng bởi tập trung chủ yếu người nước ngoài và du khách. Mỗi địa phương hầu như đều có một phố Tây đón khách nước ngoài đi du lịch tự do. Khi tổ chức được phố đi bộ trong từng khu như vậy, sẽ tạo sự hứng thú vì khách du lịch được giao lưu, gặp gỡ và thụ hưởng một số loại hình giải trí "vừa tây vừa ta", giúp đa dạng hóa điểm đến".

Trước đó, vào năm 2002, TP.HCM có phố đi bộ đầu tiên là tuyến phố Tôn Dật Tiên đoạn đi qua khu Kênh Đào của đô thị Phú Mỹ Hưng. Năm 2010, Phú Mỹ Hưng khánh thành cầu Ánh Sao - cầu đi bộ bắc qua sông đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2013, cầu Ánh Sao, Hồ Bán Nguyệt và trung tâm mua sắm Crescent Mall lọt vào danh sách “100 điều thú vị của TP.HCM” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM bình chọn. Đến nay, phố đi bộ Tôn Dật Tiên đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích của người dân thành phố lẫn du khách trong các chuyến “city tour”.

Hải Đăng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/pho-di-bo-hut-khach-du-lich-d60694.html