Phó thủ tướng: Phát triển logistics ĐBSCL cần có “đạo diễn”

Bài toán phát triển hệ thống logistics Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được đặt ra và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải có tính liên kết, kết nối đa ngành, đa lĩnh vực, chứ không nên phân tán nhỏ lẻ như hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có bàn tay “đạo diễn” của các đơn vị liên quan, thì cũng sẽ rất khó…

Một góc Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ). Ảnh: Trung Chánh.

Phát biểu kết luận hội nghị “Thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng ĐBSCL” được tổ chức hôm nay, 9-1, tại Cần Thơ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, cho rằng ĐBSCL có nhiều tiềm năng trong phát triển hệ thống logisctic, hạ tầng giao thông.

Cụ thể, xét về vị trí địa lý, ĐBSCL có ba mặt giáp biển với chiều dài trên 740 km; đường biên giới giáp Campuchia dài 340 km; hệ thống giao thông đường bộ, thủy nội địa, đường biển và hàng không tương đối khá, giúp kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó, quan trọng là TPHCM.

Phó thủ tướng dẫn dự báo của Bộ Công Thương, cho biết lượng hàng qua cảng ĐBSCL đến năm 2020 ước đạt 25-28 triệu tấn/năm, trong đó, hàng tổng hợp và container đạt 11,5-14 triệu tấn/năm; đến đến năm 2030 đạt 66-71 triệu tấn/năm, trong đó, hàng tổng hợp và container là 21-26,2 triệu tấn/năm. “Rõ ràng, vùng ĐBSCL có nhu cầu rất cao trong đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa và cả hoạt động xuất nhập khẩu”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, ĐBSCL cũng còn nhiều hạn chế, bất cập và thách thức. “Nói chung, kết cấu hạ tầng logistics ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao”, ông nhận xét.

Cụ thể, cảng hàng không thì dư thừa công suất, kết nối chưa đồng bộ; cảng biển phân tán, quy mô nhỏ; vận tải thủy nội địa, dù có hệ thống dày đặc, cứ 1 km2 diện tích có 0,75 km chiều dài đường sông, nhưng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá rất khó khăn. “Cảng biển phân tán, quy mô nhỏ, ít cảng container chuyên dụng nên chưa phát huy được lợi thế giao thông đường thủy nội đia”, ông Huệ cho biết.

Theo ông Huệ, cảng Cái Cui Cần Thơ do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) quản lý và Tân Cảng Cái Cui do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý, thì hai cầu cảng giữa hai đơn vị chỉ cách nhau khoảng 200 mét và nếu liên kết được, thì sẽ tạo thành một cảng tương đối lớn. “Tuy khoảng cách chỉ có 200 mét, nhưng nếu không có bàn tay “đạo diễn”, thì có khi hết nhiệm kỳ này cũng chưa chắc đã đi được hết 200 mét đó, tức đến hết năm 2020 cũng chưa hoàn thành”, ông Huệ cho biết.

Theo ông Huệ, ở tỉnh Hậu Giang, một vị trí cách cảng Cái Cui không xa, có kho lạnh âm 25 độ C rất là tốt. “Nhưng nghe các đồng chí báo cáo chuẩn bị làm cảng Hậu Giang vào đây nữa, thì không biết sẽ như thế nào?”, ông Huệ băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao không tập trung năng lực để hoàn thiện hệ thống cảng Cái Cui?

Theo ông Huệ, nên chăng Hậu Giang cần tập trung phát triển hệ thống kho lạnh, còn Cái Cui thì hoàn thiện về hạ tầng cảng để tăng tính kết nối, giao nhận hàng hóa, thay vì đầu tư tràn lan nhưng kém hiệu quả như hiện nay. “Đây là bài toán hệ thống và kết nối, nếu phân tán nhỏ lẻ, cát cứ thế này thì rất khó phát triển”, ông nói.

Trên cơ sở đó, theo Phó thủ tướng, cần nhận thức logistics là ngành dịch vụ, kinh tế có tính hệ thống, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính liên kết vùng và kết nối các doanh nghiệp, các loại hình rất cao. “Chúng ta phải có nhận thức cơ bản như vậy”, ông nhấn mạnh.

Để thúc đẩy logistic ĐBSCL phát triển, cũng tại hội nghị này, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng cần phải tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và khu vực. “Rõ ràng, nếu mỗi đơn vị (tỉnh) tự làm, thì không tạo được hệ thống hạ tầng chung, trong đó có hạ tầng phục vụ cho logistics của ĐBSCL”, ông cho biết.

Theo ông Hiệp, bài toán đầu tư hạ tầng trong bối cảnh hiện nay là một bài toán rất khó, đặc biệt là sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bởi nhu cầu thì lớn, còn nguồn vốn lại hạn hẹp. “Như vậy, cân đối ngân sách như thế nào, cái gì ưu tiên trước, cái gì ưu tiên sau để có sự phối hợp thực hiện, cần phải tính toán kỹ. Đặc biệt, nên thu hút đầu tư tư nhân và dĩ nhiên muốn tư nhân vào, thì phải có chính sách, quy hoạch tốt, phải có sự phối hợp. Các tỉnh thành nên đặt vấn đề nhà đầu tư logistics phải là nhà đầu tư có năng lực thật sự, có khả năng kết nối được các mối hàng, có vai trò dẫn dắt, chứ không phải là nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Hiệp gợi ý.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/155855/pho-thu-tuong-phat-trien-logistics-dbscl-can-co-dao-dien.html/