Phơi bày thế giới ngầm kinh doanh sữa

– Cuộc trao đổi giữa VietNamNet xoay quanh vấn đề quản lý giá sữa với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá của Bộ Tài chính cho thấy những công cụ để kiểm soát thị trường của chúng ta hiện quá nghèo nàn. Chỉ riêng với giá sữa, bao nhiêu khúc mắc, bao nhiêu bức xúc, bao nhiêu bất cập đều được kỳ vọng vào việc chờ thay đổi nội dung của một cái thông tư!

Sửa thông tư quản lý giá sữa: Muộn còn hơn không - Thưa ông, văn bản có tính pháp lý hiện hành về quản lý giá sữa là thông tư 104/2008/TT-BTC. Tình hình giá sữa “nhảy múa” kéo dài suốt thời gian qua, không có sự can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả từ phía cơ quan quản lý đã cho thấy những bất cập của thông tư này. Khi trả lời báo chí, ông cho biết thông tư này sẽ được sửa đổi. Vậy hướng sửa đổi cụ thể là như thế nào? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thông tư 104/2008/TT-BTC được sửa đổi 2 điểm mấu chốt: Các doanh nghiệp không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài khi sản xuất kinh doanh các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá do Chính phủ quy định đều phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quản lý giá và Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn quy chế tính giá. Và sữa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Chính phủ. Quy chế tính giá này bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh sữa phải đưa ra các yếu tố cấu thành giá sữa bán đến tay người tiêu dùng, sau đó phải giải trình tính hợp lý của các yếu tố này. Yếu tố cấu thành giá nào được xác định là bất hợp lý (không có tính chất tạo/ảnh hưởng đến giá) sẽ bị loại bỏ ngay từ đầu, nhất định không được đưa tràn lan vào cơ cấu giá như hiện nay. Sau khi xác định được cơ cấu giá sữa, doanh nghiệp phải đưa ra và chứng minh được mức chi phí cho từng yếu tố đó (như chi phí tiếp thị, quảng cáo, chi phí bán hàng, quản lý, nhân công, ...). Với mỗi một yếu tố sẽ có một định mức khống chế nhất định do tình hình thực tế quy định. Ví dụ: Chi phí quảng cáo không được vượt quá 10%. Các doanh nghiệp sẽ phải thuyết minh về cơ cấu giá khi đăng ký giá và sẽ phải bán theo mức giá đã đăng ký, đồng thời phải niêm yết giá. Nếu sau đó lại tăng giá thì doanh nghiệp đó phải đăng ký lại giá bán, phải có báo cáo và giải trình về mức tăng đó, cơ quản lý giá sẽ kiểm soát xem mức tăng đó có hợp lý hay không. Đây cũng chính là cách mà cơ quan lý cùng nhà phân phối quản lý giá bán đến tận tay người tiêu dùng. Điều này sẽ khác hẳn với tình trạng hiện nay. Hiện nay, các doanh nghiệp vì không phải kê khai đăng ký giá bán và không phải đưa ra cơ cấu giá sữa nên họ cứ tăng/giảm thoải mái, không cần có báo cáo với cơ quan quản lý, cơ quan quản lý cũng khó can thiệp được. - Việc đăng ký giá bán với Bộ Tài chính, theo ông, sẽ mang lại hiệu quả như thế nào trong vấn đề quản lý giá sữa? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc đăng ký giá bán, niêm yết giá bán theo quy trình tôi vừa giải thích như trên sẽ giúp cơ quan quản lý có đầu mối, cơ sở để xem xét tính hợp lý của giá. Kể cả trong trường hợp tăng/giảm giá thì cơ quan quản lý vẫn chủ động biết và can thiệp kịp thời. Mặt khác, người tiêu dùng cũng sẽ có những thông tin chính thống về giá sản phẩm. Đặc biệt là việc đăng ký giá bán cũng sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp phải tự giác chấp hành các quy định của luật pháp, buộc họ phải làm đúng. - Một điều khá “khó hiểu” là trong Pháp lệnh giá đã có quy định phải đăng ký giá, nhưng trong thông tư ban hành lại không có điều này. Ông có thể giải thích? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đây đúng là một thiếu sót của thông tư 104/2008/TT-BTC về quản lý giá, trong đó có giá sữa, nhưng là thiếu sót do bỏ khoảng trống đối với một số đối tượng doanh nghiệp chứ không phải tất cả. Đây cũng là quan điểm quản lý ở thời điểm ban hành thông tư trên, do chỉ nghĩ rằng các doanh nghiệp nhà nước sẽ chi phối thị trường và nhà nước tập trung để quản lý, và chỉ quy định các doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ cổ phần Nhà nước chiếm từ 50% trở lên mới phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý. Thông tư 104 được sửa đổi tới đây sẽ không phân biệt các loại hình doanh nghiệp nữa mà sẽ xử lý bình đẳng như nhau. - Vấn đề giá sữa không phải bây giờ mới nóng. Sửa thông tư 104 cũng không phải giải pháp bây giờ mới được đặt ra. Tại sao việc này được tiến hành chậm và kéo dài như vậy, khiến thị trường sữa tiếp tục bị loạn giá? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra ý kiến như trên về thông tư này có từ lâu rồi nhưng vì một số lý do khách quan mà đến giờ vẫn trong giai đoạn sửa đổi. Hi vọng là trong thời gian sắp tới thông tư sửa đổi sẽ được thông qua sớm, giúp việc quản lý giá sữa hiệu quả hơn. - Luật pháp quy định doanh nghiệp không được tăng giá sữa tối đa 20%/lần, 2 lần tăng liên tiếp tối thiểu phải cách nhau 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp có thể tăng giá từ ngày 16 (kể từ lần tăng gần nhất) và chỉ tăng với tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ cho phép mà không hề vi phạm quy định. Kẽ hở này liệu có “lộ liễu” quá không? Thông tư sửa đổi sắp tới sẽ điều chỉnh việc này như thế nào? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi cũng đã nhận thấy lỗ hổng này và vì thế, thông tư 104 sẽ được sửa đổi, không tính bằng tỷ lệ % cho mức tăng từng lần nữa mà bắt buộc các doanh nghiệp đều phải đăng ký giá, kê khai giá. Khi tăng giá thì phải đăng ký lại cho lần tăng giá và phải thuyết minh lý do tăng. Mức tăng của giá bán sẽ tỷ lệ thuận với mức tăng của các yếu tố đầu vào. Như thế họ sẽ không thể “lách luật” để tăng giá liên tục như hiện nay. Doanh nghiệp sữa nước ngoài không muốn phải đăng ký, kê khai giá bán! - Trước khi thông tư sửa đổi được ban hành, Bộ Tài chính “rạo rạc” khá lâu chuyện các doanh nghiệp sữa bắt buộc phải đăng ký giá bán trước khi đưa sữa ra thị trường. Trong bối cảnh có nhiều “mảng tối” ở các doanh nghiệp sữa như hiện nay, ông đã nhận được phản hồi nào (kể cả bằng các con đường không chính thức) về vấn đề này chưa? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi có nhận được một số ý kiến phản hồi về vấn đề này. - Ông có thể chia sẻ? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thông qua đại sứ quán các nước, chúng tôi nhận được những thông tin phản hồi là các doanh nghiệp sữa nước ngoài không muốn thực hiện việc đăng ký kê khai giá bán đối với các sản phẩm sữa của họ. - Theo ông thì đâu là nguyên nhân? Nguyên nhân nào là nguyên nhân chính? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo tôi có 2 nguyên nhân. Một là họ e ngại thủ tục hành chính rườm rà. Hai là họ ngại "phơi bày" những thứ mà họ không muốn phơi bày. Nếu không có quy định bắt buộc đăng ký và kê khai giá bán thì họ có thể bán với mức giá tùy ý (như hiện nay), cơ cấu giá có thể bao gồm cả những yếu tố không hợp lý nhưng họ vẫn cộng vào song không ai có thể phản biện điều đó. Điều này cũng đã phần nào cho thấy thực tế các doanh nghiệp hiện nay đang như thế nào … Tôi cũng khẳng định lại rằng việc đăng ký giá, kê khai giá cũng chỉ thực hiện đối với các mặt hàng thiết yếu của quốc gia do Chính phủ quy định và đây không phải là quy định mới. Bộ Tài chính không hề quy định gì mới thêm mà chỉ hoàn chỉnh khâu quản lý, việc đăng ký giá, kê khai giá không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài đã được quy định ở Pháp lệnh giá và các Nghị định của Chính phủ. - Theo nhận định của chúng tôi, có thể nhận thấy mọi điểm bất hợp lý trong quản lý giá sữa hiện nay đều được ông kỳ vọng vào sự thay đổi của một thông tư quản lý giá (thông tư 104). Như vậy có “tự tin” quá không? - Ông Nguyễn Anh Tuấn: Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì Việt Nam cần đẩy mạnh nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước. Bởi khi có đủ nguồn cung này thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề quản lý giá sữa từ nhà sản xuất (giải quyết được khâu chuyển giá qua hải quan). Hiện nay, đến ngay cả Vinamilk cũng phải nhập khẩu nguyên liệu làm sữa. Xin cảm ơn ông! Cẩm Quyên – Trần Thủy

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/psks/201005/Se-phoi-bay-the-gioi-ngam-kinh-doanh-sua-912833/