Cần chủ động phòng, chống bạo lực, lạm dụng hình ảnh phụ nữ, trẻ em gái trên không gian mạng

Hành vi lạm dụng hình ảnh phụ nữ và trẻ em gái trên mạng, sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để chế, ghép thành ảnh nhạy cảm, bạo lực tinh thần đang là hiện trạng báo động, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Vậy cần làm gì để chủ động phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khỏi nguy cơ này?

Thiết lập quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân

Khi kẻ xấu sử dụng các công cụ AI, đơn cử như công nghệ deepfake (một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả mạo một cách chân thực nhằm gây hiểu nhầm cho người xem) hậu quả gây ra sẽ rất lớn.

Câu chuyện của một nữ sinh lớp 6 ở Đà Nẵng bị kẻ xấu ghép khuôn mặt với hình ảnh khỏa thân của người khác, gửi qua ứng dụng Facebook Messenger để đe dọa hồi tháng 4 vừa qua phần nào cho thấy sự nguy hiểm của vấn nạn này.

Nhân viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trả lời các cuộc gọi. Ảnh: Anh Tuấn

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an), Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em Công an nhân dân, Trưởng ban Phụ nữ Công an nhân dân chia sẻ: “Để phòng ngừa việc trở thành nạn nhân của hoạt động này, cần ưu tiên giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em gái về các nguyên tắc, kỹ năng bảo đảm an toàn cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Đối với các trẻ em gái, phụ huynh cần tăng cường giáo dục để các em ý thức rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng, hiểu rõ những hậu quả xấu có thể xảy ra nếu tùy tiện chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân với người khác”.

Phân tích về các giải pháp cụ thể, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu nhấn mạnh, thứ nhất, phụ nữ và trẻ em gái nên hạn chế đăng tải các hình ảnh cá nhân của bản thân trên các nền tảng mạng xã hội. Cần chủ động thiết lập quyền riêng tư, hạn chế các nhóm đối tượng là người thân, quen biết có thể chia sẻ các hình ảnh cá nhân của bản thân.

Thứ hai, phải cẩn trọng trong quá trình kết bạn, trò chuyện, làm quen với người lạ, tham gia các hội, nhóm, cộng đồng trên mạng xã hội, không quay, chụp và gửi, chia sẻ các hình ảnh cá nhân.

Còn theo Phó Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Hiệp Trí, một mặt, mỗi người phải “giữ cho mình một cái đầu lạnh”, cảnh giác, tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin khi tiếp cận hình ảnh, video chưa được kiểm chứng từ cơ quan có thẩm quyền; mặt khác, phải tăng cường truyền thông, đặc biệt là dạy trẻ em về các nguyên tắc bảo đảm an toàn trên mạng, ý thức được những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội, tránh tiếp cận thông tin giả, truy cập vào những nội dung xấu độc.

Tìm kiếm sự hỗ trợ, bảo vệ, ứng phó

Nếu bất ngờ bị rơi vào trường hợp bị “deepfake”, bị bôi nhọ hình ảnh cá nhân, phụ nữ, trẻ em gái phải tìm tới đâu để được hỗ trợ, bảo vệ? Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu nhấn mạnh: “Về cơ bản, việc sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật, tùy vào hành vi, mức độ, có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Nếu đối tượng chế ghép ảnh đồi trụy của cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, có thể cấu thành “Tội làm nhục người khác”. Vì vậy, khi rơi vào trường hợp bị đối tượng xấu sử dụng hình ảnh cá nhân để chế, ghép thành ảnh nhạy cảm, đồi trụy, nạn nhân cần vượt qua sợ hãi, bình tĩnh tìm kiếm sự hỗ trợ và bảo vệ, khẩn trương tìm hiểu, tập hợp các thông tin liên quan đến đối tượng và trình báo đến cơ quan công an nơi cư trú để được tiếp nhận, xác minh, xử lý”.

Đã có trường hợp, phụ nữ và trẻ em gái ngần ngại lên tiếng vì bị kẻ xấu đe dọa, thao túng tâm lý, dẫn đến bị bạo lực và lạm dụng. Vì vậy, theo chị Nguyễn Thùy An, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), đơn vị này luôn nêu rõ các thông điệp truyền thông: “Người gây bạo lực phải chịu 100% trách nhiệm về hành vi gây bạo lực”, “Hãy lên tiếng, bởi im lặng là tiếp tay bạo lực”…

Phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực, lạm dụng, bao gồm cả việc bị bình phẩm cợt nhả về cơ thể, bị gây áp lực về tâm lý, bị bôi nhọ hình ảnh cá nhân… đều có thể tìm đến dịch vụ tham vấn của Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà bình yên hoặc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các đoàn thể tại địa phương.

“Bạn không cô đơn, chúng tôi luôn bên bạn” - những phụ nữ, trẻ em gái bị bôi nhọ hình ảnh, bị bạo lực, lạm dụng hãy mạnh dạn tố cáo, tìm sự giúp đỡ nếu bất ngờ trở thành nạn nhân của kẻ xấu trên không gian mạng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-chu-dong-phong-chong-bao-luc-lam-dung-hinh-anh-phu-nu-tre-em-gai-tren-khong-gian-mang-665987.html