Phòng chống bệnh uốn ván cho trẻ sơ sinh ở Đác Lắc

Những tháng đầu năm 2017, tỉnh Đác Lắc đã liên tiếp ghi nhận bốn trường hợp uốn ván sơ sinh, chủ yếu xảy ra trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có hai trường hợp đã tử vong. nguyên nhân do các hủ tục và nhận thức chưa cao của người dân.

Liên tiếp các vụ uốn ván sơ sinh

Vào ngày 19-2 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc đã tiếp nhận bé Y Đa Phúc Byă, sinh ngày 10-2-2017, trú tại buôn Ea Mtá, xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin, nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, bỏ bú. Sau khi khám, kiểm tra và xác định bé bị uốn ván rốn đã ủ bệnh trước đó bảy ngày, các bác sĩ tiêm huyết thanh chống uốn ván, thuốc chống co giật và cách ly cháu bé trong lồng ấp để điều trị. Bác sĩ Lê Đình Nhân, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc) cho biết: "Sau một thời gian điều trị, cháu bé đã giảm co giật, nhưng phản xạ kém, dịch nhầy nâu nhiều, thở bằng ô-xy phải nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn". Theo người nhà cháu bé, mẹ của bé sinh con tại nhà, do người thân trong gia đình đỡ đẻ và dùng dao lam cắt rốn dẫn đến việc bé bị nhiễm trùng uốn ván. Trước đó, ngày 13-2, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, tiếp nhận bé trai 10 ngày tuổi bị uốn ván sơ sinh, trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, nhiễm trùng máu và có nguy cơ tử vong cao. Chị H’Ngọc Byă, ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông, mẹ cháu bé cho biết: Cháu bé là con đầu lòng. Trong quá trình mang thai, chị không tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Đến tuần thứ 36, chị H’Ngọc sinh non tại nhà, nhờ một "bà mụ vườn" ở địa phương đỡ đẻ và cắt rốn bằng dao lam không khử trùng. Sau khi sinh được sáu ngày, cháu bé bỏ bú, sốt cao liên tục và lên cơn co giật cho nên gia đình đã đưa bé vào bệnh viện điều trị trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, chia sẻ: "Thông thường nhiễm trùng uốn ván có thời gian ủ bệnh càng ngắn ngày thì bệnh càng nặng. Đối với trường hợp con chị H’Ngọc, khi gia đình đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu bệnh đã nặng, cho nên tỷ lệ chữa khỏi là rất thấp...".

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đầu năm 2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc đã tiếp nhận bốn trẻ sơ sinh bị uốn ván, đều là người DTTS, trong đó hai bé đã chết. Các bệnh nhân này đều được sinh tại nhà và do các "bà mụ vườn" cắt rốn bằng dao lam dẫn đến nhiễm bệnh. Theo các bác sĩ ở Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, các trường hợp uốn ván rốn thường có tỷ lệ tử vong cao hơn 90% và các trường hợp này đều là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, không tiêm phòng trong thời gian mang thai và sinh đẻ tại nhà, dùng dao lam cắt rốn. Ngoài uốn ván rốn, sinh đẻ tại nhà, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như bé bị ngạt, nhiễm trùng, bà mẹ dễ bị tai biến sản khoa…

Phụ nữ mang thai cần tiêm chủng đầy đủ

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, Bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết: "Đến nay, mạng lưới y tế ở Đác Lắc đã phát triển đến tận các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện đầy đủ việc tiêm chủng, khi sinh phải đến các cơ sở y tế để phòng uốn ván sơ sinh vẫn được duy trì thực hiện thường xuyên… Thế nhưng, do Đác Lắc có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đồng bào DTTS đông, trình độ dân trí thấp, một bộ phận người dân vẫn chưa xóa bỏ được các phong tục tập quán lạc hậu, tín ngưỡng cho nên vẫn còn tình trạng sinh đẻ tại nhà...". Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc vẫn còn khoảng 10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không tiêm phòng uốn ván dẫn đến xảy ra uốn ván sơ sinh, chủ yếu ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, để ngăn chặn các trường hợp uốn ván sơ sinh tương tự xảy ra trên địa bàn, trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Đác Lắc cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cả hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em đến tận các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS để nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời tuyên truyền, vận động các bà mẹ khi sinh cần tới trạm y tế xã, phường nơi gần nhất, tuyệt đối không sinh ở nhà và dùng các dụng cụ thủ công để cắt rốn cho trẻ; thường xuyên trợ giúp chuyên môn cho đội ngũ những người trực tiếp đỡ đẻ ở các trạm y tế xã, phường để người dân yên tâm khi đến sinh nở.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32486202-phong-chong-benh-uon-van-cho-tre-so-sinh-o-%c3%b0ac-lac.html