Phòng chống cháy rừng: Chủ động từ sớm, từ xa

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 183.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 62.000ha, còn lại là rừng trồng, với các loại cây trồng chủ yếu như: keo, bạch đàn, bồ đề... Để chủ động phòng, chống cháy rừng, ngành chức năng, các địa phương và người dân trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp.

Anh Phùng Văn Độ (xóm La Đàn, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) phát dọn cỏ tại đồi keo của gia đình.

Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nên năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt trên phạm vi cả nước. Để chủ động từ sớm, từ xa trong công tác PCCR, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, trong những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã chủ động thực hiện các phương án PCCR. Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, chia sẻ: Chúng tôi tăng cường kiểm tra và tổ chức diễn tập phương án PCCR tại các địa phương; chuẩn bị tốt phương châm "4 tại chỗ” để không bị động, bất ngờ, dập tắt đám cháy hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp cùng với các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh; 8 tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện; 1.019 tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn xóm với hơn 7.500 thành viên.

Cùng với Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của tỉnh cũng đã và đang tăng cường công tác PCCR. Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh hiện được giao quản lý, bảo vệ trên 20.000ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Với đặc thù có nhiều khu dân cư nằm trong lòng khu vực rừng đặc dụng, thường diễn ra tình trạng dùng lửa để đốt nương và đốt ong lấy mật là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy rừng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân luôn được Ban xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, chia sẻ: Ngoài chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng, đơn vị còn chủ động phối hợp với các các xã, thị trấn, thôn, xóm tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân sinh sống trong và gần các khu vực rừng do Ban quản lý chấp hành nghiêm quy định về công tác bảo vệ rừng, cũng như PCCR.

Chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn và người dân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai biện pháp trong công tác PCCR. Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long (Võ Nhai), cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 200ha rừng sản xuất và trên 1.000ha rừng tự nhiên. Để làm tốt công PCCR, ngay từ đầu năm chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng xã; xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Địa phương cũng thường xuyên cập nhật thông tin, bản tin thời tiết, nhất là những ngày nắng nóng để phát trên hệ thống loa truyền thanh nhằm thông báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng tới bà con nhân dân và các chủ rừng.

Gia đình anh Phùng Văn Độ (xóm La Đàn, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) hiện có trên 1ha keo 5 năm tuổi. Anh Độ cho hay: Để hạn chế việc xảy ra cháy rừng, trước mỗi thời điểm nắng nóng, khô hanh tôi đều tranh thủ lên đồi keo chặt những cây chết, tỉa những cành khô và dọn dẹp cỏ; không mang theo bật lửa hay các vật dụng dễ cháy vào đồi cây.

Từ những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân nên từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ cháy nào.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498ha. Cháy rừng đã làm 3 người tử vong.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202405/phong-chong-chay-rungchu-dong-tu-som-tu-xa-a7b04f9/