Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT: Doanh nghiệp đề nghị chia nhỏ gói thầu

Cần tạo điều kiện cho càng nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia vào các dự án BOT thì giá thành mới rẻ, mức phí hợp lý, chứ chỉ để vài ông lớn tham gia thì họ bắt tay nhau, đẩy giá cao lên...

Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT là chủ đề cuộc hội thảo do báo Công an Nhân dân tổ chức sáng nay, 7-9 tại Hà Nội.

Tham gia hội thảo có ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành 2 (Kiểm toán Nhà nước).

Sau những phản ứng quyết liệt của dư luận và người dân, trạm thu phí BOT (Cai Lậy) đã dừng từ ngày 14-8 để chờ quyết định của Bộ GTVT. Ảnh: KIẾN VĂN

Thẳng thắn bình luận về rủi ro tham nhũng trong các dự án BOT, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc cho rằng, giải pháp cho tình trạng này là tăng cường đấu thầu công khai (đặc biệt là đấu thầu qua mạng), áp dụng thu phí không dừng và chia nhỏ gói thầu cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia, tất nhiên với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Cho rằng BOT là mô hình hợp lý trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng, ông Bắc nhìn nhận: BOT giao thông, nếu làm chuẩn sẽ là “dân góp vốn, dân làm đường, dân đi, đất nước giàu mạnh”.

Cũng theo ông Bắc, không nên nói doanh nghiệp BOT là “tay không bắt giặc”. “Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, làm gì có đến hàng ngàn tỷ đồng nhàn rỗi. Vay vốn ngân hàng là dùng tiền nhàn rỗi của dân để làm đường cho dân đi, vấn đề là đảm bảo sự minh bạch. Cần tạo điều kiện cho càng nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thì giá thành mới rẻ; mức phí hợp lý, chứ chỉ để vài ông lớn tham gia thì họ bắt tay nhau, đẩy giá cao lên”.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Kiên, việc chia nhỏ gói thầu cũng có mặt tốt là tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia, nhưng cũng có nhược điểm nhất định về kiểm soát chất lượng, tổ chức đấu thầu…

Đáng lưu ý, liên quan đến dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 330.000 tỷ đồng, trong đó có 17/20 tuyến đầu tư bằng phương thức BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, tháng 6-2016, Bộ GTVT đã thực hiện tổng kết 5 năm thực hiện BOT, từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng dự án này.

“Cao tốc Bắc – Nam là tuyến xây dựng mới, thu phí kín theo chiều dài sử dụng nên đảm bảo công bằng; lại có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách và chắc chắn sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư nên sẽ tránh được tất cả những bất cập như vừa rồi”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phong-ngua-tham-nhung-trong-cac-du-an-bot-doanh-nghiep-de-nghi-chia-nho-goi-thau-466269.html