Phỏng vấn Việt kiều

PV: Thưa anh, với tư cách một Việt kiều, anh luôn luôn muốn đóng góp cho đất nước Việt Nam, đúng không ạ?

Việt kiều: Rõ ràng là thế. Trong tất cả các lĩnh vực, chúng tôi luôn luôn theo dõi đất nước. Và riêng tôi thì luôn ưa thích thể thao, đặc biệt là bóng đá.

PV: À, như vậy chắc anh biết rõ về thành tích chưa tốt của đội tuyển Việt Nam vừa qua?

Minh họa: Lê Tâm

Việt kiều: Tất nhiên. Thất bại của chúng ta còn nhiều lý do, nhưng theo tôi có một yếu tố khá căn bản, cầu thủ nước mình thiếu sức mạnh.

PV: Sức mạnh?

Việt kiều: Vâng. Cụ thể ở đây là sức mạnh thể lực, biểu hiện ở chiều cao, cân nặng.

PV: Nhưng anh ạ, đó là một hạn chế cố hữu của bóng đá Châu Á nói chung mà.

Việt kiều: Tôi biết chứ. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia Châu Á hôm nay rất chú trọng đến nguồn cầu thủ nhập tịch.

PV: À, cái đó ai cũng thấy rõ. Nhưng thú thực với anh, việc nhập tịch cầu thủ, tuy có cái lợi trước mắt, nhưng rõ ràng có sự không thoải mái về tâm lý cho người hâm mộ.

Việt kiều: Đúng vậy. Tôi cũng công nhận là khá kỳ cục, ví dụ như trong đội tuyển Việt Nam lại có người mắt xanh tóc vàng. Nhưng chúng ta vẫn có cách khác mà.

PV: Cách gì vậy thưa anh?

Việt kiều: Chúng ta có thể cho phép nhập tịch những cầu thủ gốc Việt.

PV: Ừ nhỉ.

Việt kiều: Các chàng trai ấy có những thuận lợi như sau:

Ngoại hình rất gần gũi Việt Nam; có tâm hồn thực sự muốn hướng về quê hương; có trình độ tiên tiến bóng đá nơi xứ họ, được sự động viên của gia đình và đa số có thể lực rất tốt.

PV: Chẳng hạn như Đặng Văn Lâm và Phillip Nguyễn...

Việt kiều: Vâng. Những cầu thủ như thế rất dễ hòa hợp. Nhiều người còn nói tiếng Việt kia mà. Thực tế đã chứng tỏ điều này.

PV: Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam có một lượng người rất lớn ở mọi quốc gia trên thế giới. Chúng ta đã tận dụng sự đa dạng của họ về kinh tế, khoa học thì tại sao lại không nghĩ tới thể thao.

Việt kiều: Chính xác. Theo cá nhân tôi, rõ ràng đó là nguồn sinh lực mà đã đến lúc các cơ quan quản lý cần tiến tới. Ví dụ như theo thống kê, đội tuyển U23 của Việt Nam đang thi Cúp Châu Á, có chiều cao và cân nặng trung bình vào loại thấp nhất giải. Đó rõ ràng là một bất lợi lớn.

PV: Và không thể ngày một ngày hai giải quyết điều này nếu không nghĩ tới khả năng “nhập khẩu”.

Việt kiều: Tôi cho rằng nhà báo dùng từ “nhập khẩu” là sai. Hàng hóa nhập khẩu có thể hoàn toàn xa lạ, còn cầu thủ gốc Việt là những con người không thế, họ có dòng máu Việt Nam và có khát khao hướng về Tổ quốc thật sự.

PV: Có lẽ đã tới lúc vấn đề này nên định ra như một hướng chiến lược của bóng đá chăng?

Việt kiều: Hãy nhìn đội tuyển Philippines, Indonesia, Malaysia và cả Thái Lan. Số cầu thủ nhập tịch của họ ngày càng tăng, và thực tế thi đấu cho thấy, các cầu thủ ấy có sức mạnh thể lực rất đáng nể.

PV: Mà sức mạnh là nền tảng của bóng đá đỉnh cao.

Việt kiều: Chính xác. Sức mạnh phải được tích trữ từ nhỏ bằng dinh dưỡng, rèn luyện... Đấy là những thứ chúng ta không thể nhanh chóng có được. Chưa kể đầu óc về chiến thuật.

PV: Cho nên theo anh, đã đến lúc thể thao Việt Nam nghĩ tới sự mở cửa cho mọi tầng lớp người Việt ở nước ngoài?

Việt kiều: Vâng. Và tôi tin chắc điều ấy không có gì sai trái hết.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-viet-kieu-i729972/