Phóng viên AP kể phút mạo hiểm chụp kẻ ám sát Đại sứ Nga

Phóng viên AP Burhan Ozbilici có mặt tại hiện trường vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ về giây phút mạo hiểm chụp kẻ ám sát khi hắn đang lăm lăm cây súng.

Bức ảnh kẻ sát nhân chĩa súng đe dọa các nạn nhân bên trong phòng triển lãm do phóng viên AP Burhan Ozbilici có mặt tại hiện trường thực hiện

Phóng viên AP Burhan Ozbilici, là người có mặt tại hiện trường vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov tại Thổ Nhĩ Kỳ, liều mình chụp được bức ảnh hiện trường vụ tấn công khi kẻ sát nhân đang chĩa súng vào nạn nhân.

Anh kể lại: Giữa sự kiện khai trương triển lãm ảnh của Nga ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ - một sự kiện tưởng chừng bình thường, bỗng nhiên, một người đàn ông mặt vest đen, thắt cà vạt nghiêm chỉnh, rút súng, tôi đã bất ngờ và tưởng đó là một màn kịch nằm trong chương trình. Nhưng, thay vào đó, nó lại là màn ám sát lạnh lùng, diễn ra ngay trước mắt tôi trong khi những người xung quanh la hét hoảng loạn.

8 phát súng rền vang trung tâm triển lãm nghệ thuật tại Thổ Nhĩ Kỳ, biến nơi đây thành hỗn loạn. Mọi người la hét, trốn đằng sau cột nhà, dưới gầm bàn và nằm sát trên sàn nhà. Tôi rất lo sợ và bối rối nhưng phát hiện được một chỗ nấp đằng sau bức tường và thực hiện công việc của mình là chụp ảnh.

Thi thể của Đại sứ Nga nằm gục trên sàn nhà, chỉ cách chỗ tôi nấp vài mét. Tôi không nhìn thấy máu xunh quanh ông nên đoán có lẽ ông bị bắn từ đằng sau. Tôi phải mất đến vài giây mới kịp định hình chuyện gì diễn ra: Một người đàn ông đã chết ; một cuộc đời biến mất ngay trước mắt tôi. Tôi di chuyển lùi lại, về phía bên trái trong khi tay súng (được xác định danh tính là cảnh sát Mevlut Mert Altintas) đang chĩa súng vào những người đang co rúm ở góc bên phải căn phòng...

Sau đó, hắn tới gần xác của vị Đại sứ, đập nát những bức ảnh trên tường. Bản thân tôi, dĩ nhiên, lúc đó rất sợ hãi và biết rõ nguy hiểm nếu tay súng tiến về phía mình. Nhưng tôi đã nhanh tay chụp lại thời điểm hắn đe dọa những người khác có mặt trong căn phòng.

Lúc đó, tôi đã nghĩ: “Tôi ở đây. Dù có bị thương, bị giết tôi vẫn là một nhà báo. Tôi phải làm công việc của mình. Tôi có thể chạy thoát mà không chụp bất cứ bức ảnh nào. Nhưng tôi sẽ không tìm được câu trả lời phù hợp nếu có người hỏi tôi: Tại sao anh lại không chụp ảnh hiện trường lúc đó?”.Thậm chí, tôi cũng nghĩ về bạn bè và các đồng nghiệp đã thiệt mạng khi chụp ảnh phóng sự tại các khu vực xung đột nhiều năm qua. Trong lúc tôi đang rối bời, tôi nhìn thấy tay súng bỗng nhiên bối rối nhưng lạ thay hắn vẫn tự kiểm soát được bản thân. Hắn quát lên bắt mọi người lùi lại. Các nhân viên an ninh yêu cầu chúng tôi sơ tán khỏi hiện trường.

Khi xe cứu thương, các phương tiện vũ trang và cảnh sát được triển khai tới hiện trường, tay súng đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Khi tôi trở về văn phòng để chỉnh sửa ảnh, tôi đã sốc khi thấy, trong một bức ảnh, tay súng thực chất đã đứng ngay sau vị Đại sứ khi ông phát biểu, như một người bạn, một cảnh vệ.

Trang Trần (Theo AP)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phong-vien-ap-ke-phut-mao-hiem-chup-ke-am-sat-dai-su-nga-d181246.html