Phòng xử án thân thiện

TAND tối cao đang dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với việc xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử. Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, phù hợp và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

TAND tối cao đang dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với việc xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử. Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, phù hợp và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Theo dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án, “Phòng xử án thân thiện” được thể hiện theo mô hình riêng, có nhiều điểm khác biệt so với phòng xử án áp dụng đối với vụ án thông thường; các vị trí được sắp xếp trên cùng một mặt phẳng, kiểu bàn tròn, bị cáo được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa. Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, phòng xử án đối với người dưới 18 tuổi được bố trí như trong dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án về cơ bản đã thể hiện được sự thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giảm không khí căng thẳng, tránh các biến động về tâm lý của các em.

Phân tích về sự cần thiết quy định “Phòng xử án thân thiện”, theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ và hiện đại. Tuy nhiên chưa có quy định về "Phòng xử án thân thiện" đối với người dưới 18 tuổi cho nên chưa thật sự đồng bộ. Để bảo đảm tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, khoản 4 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định "Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi”.

Theo kiểm sát viên Trịnh Khánh Toàn: “Phòng xử án thân thiện” không giống như phòng xử án thông thường, đó là người dưới 18 tuổi được ngồi cạnh cha, mẹ, người bào chữa. Do đó việc bố trí phòng xử án theo không gian mới sẽ tác động tâm lý tốt tới người chưa thành niên, không làm họ hoảng sợ, việc khai báo chính xác hơn, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử vụ án của Tòa án được nâng cao. “Phòng xử án thân thiện” còn phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt: không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục con người tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm...

“Phòng xử án thân thiện” là một trong những bước cải cách tư pháp để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, người chưa thành niên đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990. Quy định về “Phòng xử án thân thiện” đã được TAND tối cao đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành ở trung ương, TAND các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học, bảo đảm nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được khách quan, chính xác, nhân đạo, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các quy định về thủ tục tố tụng theo BLTTHS năm 2015.

Trang Thu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32975702-phong-xu-an-than-thien.html