Phù hợp hay vô hiệu?

(TBKTSG) - Một vụ việc tranh chấp khá đơn giản nhưng gây tranh cãi khi tòa cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng ký kết giữa các bên là phù hợp pháp luật; ngược lại tòa cấp phúc thẩm thì tuyên hợp đồng ấy là vô hiệu.

Nguyên Tấn Minh họa: Khều. Sơ thẩm một đằng, phúc thẩm một nẻo Năm 2008, vợ chồng ông A (*) - chủ một doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ thuê Công ty TNHH B(*) làm đại diện ủy quyền để thay mặt mình đàm phán, thương thuyết, giải quyết trục trặc trong một thương vụ chuyển nhượng đất đai có giá trị lên tới 50 tỉ đồng mà vợ chồng ông A là bên nhận chuyển nhượng. Vợ chồng ông A đồng ý trả cho Công ty TNHH B khoản chi phí dịch vụ số tiền cũng không nhỏ: 300 triệu đồng! Trong lúc công việc ủy quyền đang được tiến hành theo thỏa thuận thì bất ngờ vợ chồng ông A cắt hợp đồng, đồng thời đâm đơn kiện đòi lại số tiền trên với lý do Công ty TNHH B không có chức năng để thực hiện dịch vụ nói trên. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-8-2009, TAND quận Phú Nhuận xác định: hợp đồng giữa vợ chồng ông A và Công ty TNHH B “là hợp đồng dân sự về dịch vụ phù hợp về hình thức lẫn nội dung được quy định tại Bộ luật Dân sự”. Việc nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm thỏa thuận mà các bên đã ký kết. Trên cơ sở phân tích này, án sơ thẩm đã bác yêu cầu đòi lại số tiền 300 triệu của vợ chồng ông A. Thế nhưng, ở cấp phúc thẩm phiên tòa ngày 10-12-2009 lại xử theo hướng hoàn toàn ngược lại mà phần thắng thuộc về bên nguyên đơn. Án phúc thẩm lập luận rằng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH B được phép kinh doanh các ngành nghề như tư vấn đầu tư, tư vấn kinh tế, dịch vụ thương mại, kinh doanh nhà, xây dựng nhà và nhiều ngành nghề khác nhưng không có ngành nghề nào như hợp đồng dịch vụ đã ký với ông bà A (tức đại diện ủy quyền). Các dịch vụ thương mại theo Luật Thương mại cũng không có nội dung nào quy định như hợp đồng các bên đã ký kết. Trong khi đó, khoản 1, điều 9, Luật Doanh nghiệp quy định: doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy, hợp đồng ký kết giữa Công ty TNHH B và ông bà A đã bị vô hiệu do vi phạm quy định nói trên; phía bị đơn đã nhận của nguyên đơn 300 triệu đồng nên phải hoàn trả lại. Tuy nhiên, tòa cấp phúc thẩm lại xét rằng thực tế bị đơn đã làm một số việc cho nguyên đơn nên yêu cầu nguyên đơn phải trả cho bị đơn 10% giá trị hợp đồng (tức bằng 30 triệu đồng). Không phải là điều cấm? Vụ việc nói trên đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Theo TS. Nguyễn Quốc Vinh, giảng viên Học viện Tư pháp, việc kinh doanh không đúng trong phạm vi đăng ký kinh doanh có thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật hay không đang là vấn đề chưa được nhìn nhận thống nhất, kể cả riêng trong giới tòa án tại Việt Nam. “Tôi có trong tay một số bản án gần đây của tòa án TPHCM với nội dung tranh chấp tương tự nhưng tòa án vẫn công nhận và không tuyên hợp đồng do công ty ký là vô hiệu”- ông Vinh cho biết. Theo ông Vinh, vi phạm khoản 1, điều 9, Luật Doanh nghiệp, tức kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký không thể xem là vi phạm điều cấm của pháp luật. Bởi kinh doanh nay đã được thừa nhận là quyền của doanh nghiệp. Việc đăng ký với cơ quan nhà nước ở đây chỉ mang tính khai báo, không mang tính thừa nhận một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” theo Nghị định 06/2008/NĐ-CP hoặc Nghị định 53/2007/NĐ-CP. Ngược lại, đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện việc đăng ký và giấy phép kèm theo (nếu cần) mang tính thừa nhận một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh. Lúc này vi phạm hợp đồng mới có thể bị vô hiệu. Việc tuyên vô hiệu hay không trong trường hợp này thẩm phán phải xét đến khách thể bị xâm phạm là ai. Nếu khách thể bị xâm phạm là lợi ích công cộng, ví dụ sức khỏe cộng đồng, trật tự xã hội hay an ninh quốc gia, thì tòa án có quyền tuyên vô hiệu. Nếu khách thể bị xâm phạm nằm ngoài phạm vi trên, tòa án cần thừa nhận nó. Tuy nhiên, việc vi phạm nghĩa vụ đăng ký thì trong mọi trường hợp phải bị phạt hành chính, để thể hiện sự nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Đây là chuẩn mực chung tại các nước phát triển bởi vì người ta muốn tách bạch giữa quyền kinh doanh của cá nhân, thuộc phạm trù luật dân sự, và quy định quản lý nhà nước như yêu cầu đăng ký kinh doanh, vốn thuộc phạm trù pháp luật hành chính. Không đương nhiên và nhất thiết việc vi phạm pháp luật hành chính lại có thể vô hiệu một hợp đồng vốn thuộc sự điều chỉnh của pháp luật tư (dân sự/thương mại). Trở lại với vụ án về dịch vụ trên, dịch vụ đại diện ủy quyền không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cũng theo chuyên gia này, điều cấm đối với doanh nghiệp nếu có phải là tại điều 11, Luật Doanh nghiệp quy định về “các hành vi bị cấm”. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây lại không có hành vi bị cấm nào là kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký. Hơn nữa, hợp đồng vừa bị tuyên vô hiệu nhưng tòa án lại gián tiếp công nhận hợp đồng đó khi cho bị đơn hưởng 10% giá trị hợp đồng là mâu thuẫn. Trao đổi với TBKTSG, một thẩm phán của TAND TPHCM, cũng cho biết để xác định điều cấm của pháp luật khi xét xử tòa án thường căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, trong đó phải quy định rõ những hành vi nào bị cấm. Một cách dè dặt, TS. Đỗ Văn Đại, giảng viên Đại học Luật TPHCM, cho rằng trong trường hợp này tòa án có thể tuyên hoặc không tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng “không tuyên thì phù hợp hơn” vì theo ông hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký không phải là vi phạm điều cấm của pháp luật. “Ở Pháp, với những vụ tương tự tòa án vẫn công nhận hợp đồng giữa các bên dựa trên nguyên tắc cái gì luật không cấm thì doanh nghiệp được làm” - ông Đại cho biết. Mặt khác, các bên đã tự nguyện giao kết hợp đồng, nay chỉ vì một lỗi thông thường mà hợp đồng bị vô hiệu thì khác gì khuyến khích cho một bên bội ước? Rộng ra, theo TS. Đại, đây là một tiền lệ không tốt, khuyến khích cho cả bên không đăng ký kinh doanh bội ước bằng cách sau khi ký hợp đồng yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu để nhằm hưởng lợi. TS. Nguyễn Đình Cung, người giữ vai trò chấp bút chính trong việc soạn thảo Luật Doanh nghiệp, cũng khẳng định khoản 1, điều 9, Luật Doanh nghiệp không phải là điều cấm đối với doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì đạo luật này được thiết kế theo hướng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp không bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh kể cả khi chưa làm xong thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh. Ông cũng đồng ý quan điểm là điều cấm đối với doanh nghiệp chính là các quy định tại điều 11, Luật Doanh nghiệp, cụ thể như: hoạt động lừa đảo; kinh doanh các ngành nghề cấm kinh doanh; kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện theo quy định… Mở rộng vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Vinh đề xuất lẽ ra nếu cơ quan soạn thảo có ý như trên thì khoản 1, điều 9, Luật Doanh nghiệp nên được quy định cụ thể hơn, tức là trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không đúng phạm vi đăng ký kinh doanh thì hậu quả (về mặt hợp đồng) sẽ ra sao. “Nếu không thì điều luật trên sẽ giống như một cái án treo và thẩm phán hoặc một bên hợp đồng nếu có ác ý thì cứ tha hồ lạm dụng” - ông Vinh nói.Vấn đề băn khoăn nữa là hiện nay dịch vụ đại diện ủy quyền cũng như nhiều ngành nghề khác không có trong danh mục ngành kinh tế quốc dân. Như vậy, doanh nghiệp muốn đăng ký để kinh doanh ngành nghề sẽ không được chấp nhận trong khi đây là một nhu cầu thường xuyên diễn ra. Nếu không đăng ký được thì với cách hiểu của tòa không biết bao nhiêu hợp đồng trên toàn quốc sẽ bị vô hiệu, một luật sư khẳng định. ______________________ (*) Tên đương sự đã được thay đổi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/phapluat/30366/