Phụ nữ không chỉ "mang nặng đẻ đau"

(Chinhphu.vn) - Nói đến phụ nữ, lâu nay người ta thường nghĩ đó là những người “mang nặng đẻ đau”, là “một nửa thế giới”… Nhưng trên thực tế ở nước ta, phụ nữ còn giữ vai trò quan trọng ở nhiều lĩnh vực.

Ở khía cạnh rộng nhất, phụ nữ là “người thầy đầu tiên” của con người: Thầy giáo và thầy thuốc.

Là thầy giáo, những người mẹ, người chị không chỉ dạy con trẻ học chữ, học đếm, mà còn dạy học ăn, học nói, học gói, học mở, học ngồi, học đi đứng, chào hỏi; phân biệt ông bà, bố mẹ, anh chị em, bè bạn… Hay nói cách khác, các bà mẹ đã dạy cho trẻ những điều đầu tiên về đạo đức, về cách làm người.

Là thầy thuốc, người mẹ chỉ cần nghe qua tiếng thở, tiếng ho, tiếng khóc, sờ trán… con mình đã có thể biết được con cái bị bệnh gì, có thể tự điều trị bằng kinh nghiệm hay phải đi bệnh viện...

Ở nước ta, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi giảm nhanh có một phần do chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã tác động đến một chủ thể có tầm quan trọng hàng đầu là người mẹ, là cách nuôi dạy con của người mẹ.

Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều người đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, đời sống xã hội của đất nước.

Hiện nay, trong Bộ Chính trị có 2 Ủy viên là nữ. Từ nhiều năm nay, nước ta đã liên tiếp có Phó Chủ tịch nước là nữ.

Trong Quốc hội có 2 nữ Phó Chủ tịch, 2 nữ Chủ nhiệm Ủy ban. Trong Chính phủ có 2 nữ Bộ trưởng, hàng chục Thứ trưởng và tương đương…

Số đại biểu Quốc hội là nữ chiếm 26,2% trong nhiệm kỳ 1997-2002; chiếm 27,3% trong nhiệm kỳ 2002-2007; chiếm 25,8% trong nhiệm kỳ 2007-2011; chiếm 24,4% trong nhiệm kỳ 2011-2016 - đứng thứ 2/11 nước ở khu vực Đông Nam Á và 43/200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại biểu nữ đạt tỷ lệ trên dưới 25%.

Về kinh tế, nữ giới chiếm tỷ trọng cao trong tổng lực lượng lao động của cả nước. Trong tổng số lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp, nữ giới chiếm tỷ trọng đông nhất ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (67,2%).

Nữ giới chiếm 36,8% số lao động ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và chiếm 31,3% số lao động ở các doanh nghiệp Nhà nước. Tỷ trọng lao động nữ ở các ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản, dệt may… còn cao hơn (lần lượt là 53,7% và 70%). Số phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 20%, chủ hộ chiếm 22,4%...

Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, giáo viên nữ chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối ở hệ mầm non; giữ tỷ lệ cao ở bậc phổ thông (tiểu học 77,4%, trung học cơ sở 67,9%, trung học phổ thông 61,2%); ở hệ đại học, cao đẳng, nữ giới chiếm tỷ lệ không thua nam giới.

Nữ sinh cũng chiếm tỷ lệ ngang ngửa với nam sinh ở các cấp học, bậc học; riêng trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, nữ giới còn chiếm tỷ trọng cao hơn (tương ứng là 53,2% và 53,7%).

Tính từ năm 2005 đến nay, các mẹ, các chị còn có vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sinh (từ 1,86% xuống 1,71%); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (từ 1,33% xuống 1,05%); tổng tỷ suất sinh (từ 2,11 con/phụ nữ xuống 2,1 con/phụ nữ); tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi (từ 1,78% xuống 1,53%); tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi (từ 2,66% xuống 2,3%)…

Minh Ngọc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/phu-nu-khong-chi-mang-nang-de-dau/193954.vgp