Phụ nữ Nhật Bản: Đam mê khởi nghiệp tuổi xế chiều

Trước đây, phụ nữ Nhật Bản vì gia đình nên phải hy sinh sự nghiệp của mình. Điều đó khiến họ phải đứng ngoài lực lượng lao động trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, khi gánh nặng gia đình rũ bỏ, những phụ nữ cao tuổi này lại khao khát được công hiến...

Bắt đầu ở tuổi xế chiều

Trong một phố núi êm đềm, bà lão Yoshiko Zakoji (85 tuổi) bắt đầu ngày mới của mình với bài tập thể dục trước khi nấu cơm hoặc luộc rau để cho vào hộp cơm trưa chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Hiện bà đang sở hữu một cửa hàng có tên là Waraku ở Iida, cách thủ đô Tokyo 170km.

Lao động “tóc bạc” ở Nhật Bản.

Trước đây, bà làm nội trợ và chưa có kinh nghiệm trên thương trường. Bà Zakoji mở cửa hàng Waraku năm 1992 sau khi chồng nghỉ hưu. Mọi người đều ngạc nhiên trước quyết định của bà và không ai có thể ngờ bà nhanh chóng thành công.

Cửa hàng Waraku của bà bán thực phẩm truyền thống, cơm hộp, đồ thủ công do người địa phương, người quen và cả người khuyết tật làm nên.

Bà cũng lập nên lớp học phi lợi nhuận, dạy cắm hoa, làm gốm. Bà cũng thành lập một chương trình trao đổi quốc tế để những tình nguyện viên giúp dạy thêm tiếng Nhật, toán và những môn học khác cho người nước ngoài đến đây sinh sống. Bà Zakoji đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng khu vực Iida.

Tạo dựng cửa hàng và các lớp học thành công của bà Zakoji cho thấy phụ nữ lớn tuổi có thể tạo ra những con đường mới thông qua các dự án kinh doanh, hợp tác giúp gắn kết, định hình diện mạo của xã hội “tuổi già” ở Nhật Bản.

20% người lao động Nhật Bản vẫn đi làm sau khi về hưu.
Ảnh: Business Week

Bà Zakoji khuyến khích những người cao tuổi khác khởi nghiệp hoặc đóng vai trò lớn hơn trong cộng đồng của mình. Waraku đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thành lập, bà Zakoji cho biết bà sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động với phương châm “tạo sự thay đổi lớn trong cuộc đời”.

Gắn kết cộng đồng

Trong một khu vực được gọi là “Ngọn đồi Hy vọng” ở thành phố Yokohama, sau một thời gian dài tình nguyện giúp đỡ người cao tuổi ở địa phương, bà Maki Gomi đã mở quán Café Heartful Port tại nhà mình 3 năm trước. Từ khi mở cửa, quán cà phê này đã thu hút hơn 10.000 khách hàng từ những thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh có con nhỏ cho tới người cao tuổi.

Tại đây, bà tổ chức các buổi hội thảo, các buổi hòa nhạc nhỏ để giúp cư dân tương tác với nhau. Bà Gomi nói: “Chúng tôi xây dựng cộng đồng trở nên thú vị hơn”.

Bà Yoshiko Zakoji

Với một cộng đồng đang già đi, số gia đình hạt nhân tăng lên ở một ngoại ô Tokyo như Yokohama, những tương tác như vậy rất quan trọng. Những người cao tuổi và một thành viên của gia đình chăm sóc họ có thể bị cô lập.

Sự cô lập cũng là vấn đề của nhiều gia đình trẻ trong những lo toan của cuộc sống. Tại quán cà phê của mình, bà Gomi tổ chức những chương trình phục vụ người già bị sa sút trí tuệ và gia đình họ, cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp.

Theo Viện nghiên cứu Dân số và An ninh Quốc gia Nhật Bản, số người tuổi từ 65 trở lên sẽ chiếm 38% của tổng dân số nước này vào năm 2065, tăng gần 27% so với năm 2015. Con số thống kê này khiến nhiều nhà kinh tế lo lắng, đặc biệt khi Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Atsuko Arisawa, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Rokumaru 60, cho biết tổ chức của ông giúp những phụ nữ, đặc biệt là những người ngoài 60 tuổi, cải thiện kỹ năng làm việc, tìm việc làm hoặc khởi nghiệp.

Đối với những doanh nhân này, việc kiếm tiền không phải là điều ưu tiên. Nhiều phụ nữ muốn đóng góp cho cộng đồng và mang lại niềm vui cho người khác.

Chính sách “Kinh tế nữ” (Womenomics) cũng góp phần giúp phụ nữ ở độ tuổi 55-64 làm các công việc bán thời gian, theo mùa vụ… Khi tuổi ngoài 65, họ tiếp tục có cơ hội thực hiện những gì mình muốn. Trên hòn đảo phía Nam của thành phố Kyushu, giấc mơ của bà Hisako Takada đã thành hiện thực ở tuổi ngoài 60.

Bà đã cùng con gái mở nhà hàng riêng có tên Hidamari ở thành phố Taku và một cửa hàng thực phẩm tự nhiên ở thành phố Ogi lân cận.

“Các doanh nhân nữ cao tuổi đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm điều hành công việc kinh doanh và điều quan trọng nữa là người dân địa phương hết lòng ủng hộ chúng tôi”, bà Takada chia sẻ.

Nhu Thụy (Theo GDTD, Csmonitor, Business Insider)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/phu-nu-nhat-ban-dam-me-khoi-nghiep-tuoi-xe-chieu-post32580.html