Phú Thọ: Gần 1.200 người xuất cảnh 'chui', 5 người thiệt mạng

Năm năm trở lại đây, tại một số xã trên địa bàn huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã có gần 1.200 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc kiếm việc làm và xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 5 người thiệt mạng.

Bà Nguyễn Thị Hòa ở khu 9 xã Gia Điền đã khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của người con trai mới ngoài 20 tuổi. Ảnh: QK

Bà Nguyễn Thị Hòa ở khu 9 xã Gia Điền đã khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của người con trai mới ngoài 20 tuổi. Ảnh: QK

Khóc cạn nước mắt vì mất con!

Cơn sốt “sang Trung Quốc lao động chui” rộ lên ở huyện Hạ Hòa vào thời điểm năm 2014-2015 với số lượng lên tới hơn 700 người. Qua công tác thăm nắm tình hình, Công an huyện Hạ Hòa cho thấy số công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với nhiều lý do, mục đích khác nhau. Hình thức xuất cảnh của số công dân này chủ yếu đi theo một số đối tượng địa phương đã đi Trung Quốc nhiều năm hoặc bắt xe lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh sau đó thuê người bản địa thông thạo việc đi lại hoặc môi giới của các công ty bên phía nước bạn dẫn sang.

Chi phí cho hoạt động xuất cảnh trái phép này khá thấp, giá khoảng từ 3-5 triệu VNĐ, người lao động có thể trả ngay hoặc trừ vào tiền lương lao động tại công ty ở Trung Quốc. Lao động xuất cảnh trái phép chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân với quy mô sản xuất nhỏ, điều kiện lao động hạn chế, việc chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo. lao động phải ăn, ở, sinh hoạt tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để trốn tránh sự kiểm soát của chính quyền sở tại.

Công an xã đến động viên gia đình. Ảnh: QK.

Trong căn nhà cấp bốn, bà Nguyễn Thị Hòa ở khu 9, xã Gia Điền đã khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của người con trai mới ngoài 20 tuổi. Vì cuộc sống khó khăn, nên từ năm 13 tuổi, anh Dũng, con trai thứ hai của bà Hòa đã phải gác lại sách bút để đi làm thuê, kiếm tiền giúp gia đình. Năm 2016, Dũng đã theo bạn bè xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để tìm việc, và vài tháng sau đó, gia đình nhận được tin Dũng tử vong tại Trung Quốc. Bà Hòa nghẹn ngào: “Thấy nhiều người đi thì con trai tôi cũng bảo đi để kiếm tiền. Lúc đi nó khỏe mạnh là thế, vậy mà lúc tôi đón về chỉ có một nắm tro”.

Còn cụ bà Nguyễn Thị Hoan, 85 tuổi ở khu 1, xã Phụ Khánh vừa kể với chúng tôi, vừa sụt sùi: Cháu trai của cụ là Đào Anh Dũng, năm nay vừa tròn 20 tuổi. Do nhà nghèo nên phải nghỉ học dở chừng để đi làm thuê bên Trung Quốc và chẳng may bị tử vong.

Theo người nhà nạn nhân, tháng 2/2016, Dũng xin phép bố mẹ theo nhóm bạn sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có cả người anh con chị ruột của mẹ Dũng đi cùng. Do thấy có nhiều người trong làng rủ nhau sang Trung Quốc lao động nên vợ chồng chị cũng gật đầu cho con đi. Sang bên đó, Dũng liên lạc về gia đình, kể công việc làm thuê rất vất vả, và do đi lao động chui nên nhóm người làm ở xưởng sản xuất giày dép cùng với Dũng phải trốn ở một chỗ, không được ra ngoài tự do. Dũng kể rằng phải làm việc rất vất vả, từ 8-12 tiếng/ngày, bàn tay luôn trong tình trạng phồng rộp, đau nhức.

Đến cuối tháng 6 vừa rồi, tin dữ ập đến gia đình khi Dũng, người anh họ và một lao động khác quê ở Hải Dương đều bị đuối nước, tử nạn cùng một ngày ở nơi xứ người. Được biết, cả Dũng và người anh họ đều là con một. Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng công an và chính quyền địa phương, gia đình chị đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc làm các thủ tục liên quan và hơn 20 ngày sau, hài cốt của Dũng và người anh họ đã được đưa về chôn cất tại quê nhà.

Chính quyền "bó tay"?

Theo công an huyện Hạ Hòa, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 1.200 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động “chui”. Tuy cho thu nhập cao hơn làm nông nghiệp, song lại tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người lao động phải gánh chịu, thậm chí nhiều người phải trả giá đắt bằng cả tính mạng của mình. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Hạ Hòa đã có 5 trường hợp lao động chui bị tử vong bên Trung Quốc và đã gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Đồng, Phó Trưởng Công an huyện Hạ Hòa thì nguyên nhân của tình trạng công dân trong huyện xuất cảnh trái phép là do người lao động không có công ăn, việc làm ổn định tại quê hương và bị dụ dỗ, lừa gạt. Một nguyên nhân nữa là tình trạng mất cân đối về giới tính ở một số tỉnh Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam dẫn đến hoạt động môi giới hôn nhân nhằm kết hôn giữa người Trung Quốc với phụ nữ Việt Nam. Trong số những lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, toàn huyện có khoảng hơn 560 nữ lao động. Trong số này, nhiều người đã ở lại và lấy người Trung Quốc, gây ra nhiều hệ lụy như tranh giành con cái, tỷ lệ ly hôn liên quan đến người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc ngày càng tăng…

“Đơn vị cũng đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khởi tố 5 vụ có hoạt động đưa, dẫn người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc như: Đối tượng Đào Ngọc Hoàng, xã Quân Khê đưa dẫn 6 công dân xã Chuế Lưu; Hồ Đức Dũng xã Gia Điền đưa dẫn 10 công dân xã Phụ Khánh, Lệnh Khanh, Đại Phạm; Triệu Thị Hải Yến xã Ấm Hạ đưa dẫn 21 công dân xã Ấm Hạ; Trương Hồng Phong xã Hà Lương đưa dẫn 18 công dân địa phương…” - Thiếu tá Nguyễn Đức Đồng cho biết thêm.

Ngoài ra, Công an huyện đã chủ động rà soát, phát hiện, lập hồ sơ theo dõi 7 trường hợp trên địa bàn có dấu hiệu đưa dẫn người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn hiểu rõ về Luật Xuất nhập cảnh; những hậu quả tác hại khi lao động xuất cảnh trái phép; làm tốt công tác thăm, nắm tình hình từ cơ sở nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra…

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết Chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Vừa qua, UBND huyện đã ban hành văn bản số 1017 về việc ngăn chặn công dân Hạ Hòa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, đồng thời yêu cầu các ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và chủ quyền biên giới; điều tra làm rõ các phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê và xử lý nghiêm các hành vi của các đối tượng môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép sang biên giới Trung Quốc lao động…Về lâu dài, huyện cũng chỉ đạo tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, tư vấn cho các đối tượng có nhu cầu xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật… để từng bước xử lý triệt để nạn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động "chui", hy vọng chính quyền địa phương các cấp vào cuộc giúp người dân có cuộc sống ổn định lâu dài.

Xuân Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/phu-tho-gan-1200-nguoi-xuat-canh-chui-5-nguoi-thiet-mang-296042.html