Phú Yên: Dự án dùng đất rừng là hết sức bình thường

Việc chuyển đổi diện tích rừng làm dự án, Phú Yên khẳng định quy trình rất chặt, còn quá trình thực hiện có sai sót thì chấn chỉnh.

Phú Yên có 20 dự án đầu tư lấy khoảng 1.000ha đất rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ. Ngoài một vài dự án lớn lấy đất rừng phòng hộ trên 20ha phải xin ý kiến Thủ tướng, hầu hết dự án còn lại đều thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh.

Giải thích lý do HĐND tỉnh phê chuẩn những tờ trình của UBND tỉnh về các dự án phải lấy nhiều diện tích rừng, trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Lê Thanh Đồng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên cho biết, tất cả những vấn đề về dự án, đầu tư, xây dựng... đều căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm năm 2015-2020.

Vạt rừng phi lao phía biển ven đường Lê Duẩn nối dài thuộc xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên đã biến mất và thay vào đó là đại công trường sân golf. Ảnh: Tuổi trẻ

"Việc UBND tỉnh trình cho HĐND tỉnh những dự án có liên quan đến việc sử dụng đất rừng là việc hết sức bình thường. HĐND tỉnh phê chuẩn, nhưng quan trọng là sau đó UBND tỉnh phải tổ chức thực hiện dự án đúng quy trình, quy định pháp luật.

HĐND tỉnh cũng có thẩm quyền ở một mức độ thôi. Ví dụ đối với đất rừng mà khi phê duyệt thứ kia thứ nọ, điều chỉnh quy hoạch rừng... thì phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự án muốn được thực hiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt.

Quá trình tổ chức thực hiện, nếu đâu đó có khâu này khâu khác chưa đảm bảo thì những vấn đề đó cần rút kinh nghiệm nghiêm túc", ông Lê Thanh Đồng lý giải.

Trước phản ứng của dư luận về việc đổi rừng lấy dự án, ông Lê Thanh Đồng nhấn mạnh, trong mọi vấn đề đừng mong muốn là việc gì cũng được hết hay việc gì cũng mất hết. HĐND tỉnh xem xét kỹ việc được nhiều - mất ít hoặc mất nhiều - được ít để cân nhắc vấn đề phát triển, đặc biệt là liên quan đến môi trường.

"Về đất đai thì trước hết hạn chế sử dụng đất lúa hai vụ, đất rừng thì cân nhắc xem xét quy hoạch ba loại rừng ở mức độ nào là phù hợp, vừa đảm bảo môi trường vừa phù hợp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nói vậy không có nghĩa là không thu hồi đất rừng, kể cả đất rừng phòng hộ, không có nghĩa là không được thu hồi, kể cả đất lúa hai vụ.

Theo quy định của Luật đất đai, đối với việc thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng từ 20ha trở lên, thu hồi đất lúa từ 10ha trở lên là phải xin ý kiến Thủ tướng, còn diện tích dưới mức đó thì HĐND tỉnh cân nhắc xem xét theo thẩm quyền.

Về đất đai thì trước hết hạn chế sử dụng đất lúa hai vụ, đất rừng thì cân nhắc xem xét quy hoạch ba loại rừng ở mức độ nào là phù hợp, vừa đảm bảo môi trường vừa phù hợp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nói vậy không có nghĩa là không thu hồi đất rừng, kể cả đất rừng phòng hộ, không có nghĩa là không được thu hồi, kể cả đất lúa hai vụ.

Theo quy định của Luật đất đai, đối với việc thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng từ 20ha trở lên, thu hồi đất lúa từ 10ha trở lên là phải xin ý kiến Thủ tướng, còn diện tích dưới mức đó thì HĐND tỉnh cân nhắc xem xét theo thẩm quyền", ông Đồng nói.

Khi phóng viên Tuổi trẻ đặt câu hỏi về vai trò giám sát của HĐND tỉnh Phú Yên khi một số dự án lớn như lấy rừng ở huyện Sông Hinh để nuôi bò thịt chất lượng cao, lấy rừng phòng hộ ven biển để làm sân golf của New City... đều có vấn đề, có sai sót, ông Lê Thanh Đồng cho biết, HĐND vẫn đang theo dõi, giám sát những dự này.

"Công tác giám sát của HĐND tỉnh là thường xuyên chứ không phải cái gì giám sát là cũng được hết, có hết, thấy hết. Chúng tôi cảm ơn báo chí đã góp phần giúp HĐND tỉnh làm tốt công tác giám sát của mình.

Ngoài giám sát, HĐND tỉnh phải lắng nghe cử tri, báo chí, dư luận xã hội và cân nhắc, chắt lọc những vấn đề nào cần nắm lại, giám sát lại.

HĐND sẽ giám sát những việc tổ chức thực hiện các dự án, nếu còn những khâu nào chưa tốt, thiếu sót như báo chí phản ánh thời gian qua thì HĐND tỉnh sẽ cân nhắc, xem xét có ý kiến vào thời điểm phù hợp", Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên nói.

Ngày 26/4, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng phòng hộ tại tỉnh Phú Yên để làm sân golf, khách sạn, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/5.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phu-yen-du-an-dung-dat-rung-la-het-suc-binh-thuong-3334218/