Phục hồi đất ô nhiễm bằng thực vật

(HNM) - Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường vừa nghiên cứu thành công quy trình khắc phục ô nhiễm kim loại nặng (KLN) trên những vùng đất khai thác và chế biến quặng.

Theo đó, các nhà khoa học tiến hành trồng thử nghiệm cỏ vetiver và dương xỉ Pteris vittata, Pityrogramma calomelanos tại mỏ chì, kẽm làng Hích (huyện Đồng Hỷ), mỏ thiếc Hà Thượng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Kết quả kiểm tra cho thấy, sau khi trồng khoảng 4 tháng, hàm lượng asen trong đất ở các mỏ này giảm rõ rệt. Kết quả trồng đối chứng cũng cho thấy dương xỉ Pteris vittata có khả năng chống chịu với đất có hàm lượng asen đến 1.500 ppm, chì đến 5.000 ppm. Cây sinh trưởng và tích lũy KLN tốt nhất khi bổ sung phân bón vô cơ, hữu cơ và KLN trong đất sẽ được cây hấp thụ, làm giảm nồng độ ô nhiễm. Đặc biệt, hàm lượng chì, kẽm, asen… trong đất ở độ sâu đến 30cm được xử lý khá hiệu quả... Từ kết quả của 2 mô hình này, các nhà khoa học đang đề xuất với Nhà nước và các đơn vị khai thác, chế biến quặng sớm triển khai việc ứng dụng thực vật trong xử lý ô nhiễm môi trường đất. Đây là giải pháp thân thiện với môi trường, thích hợp với điều kiện nước ta và rất khả thi khi chuyển giao công nghệ.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/khoa_hoc/317233/phuc-hoi-dat-o-nhiem-bang-thuc-vat.htm/