Phục hồi thị lực cho người mù bằng "virus lai tảo"

Bằng cách pha tạp DNA của một loài tảo nhạy sáng với một loại virus, sau đó cấy trực tiếp vào mắt người, các nhà khoa học tại MIT đã tạo nên một phương pháp đầy hứa hẹn giúp phục hồi thị lực cho người mù do viêm võng mạc sắc tố.

Bằng cách pha tạp DNA của một loài tảo nhạy sáng với một loại virus, sau đó cấy trực tiếp vào mắt người, các nhà khoa học tại MIT đã tạo nên một phương pháp đầy hứa hẹn giúp phục hồi thị lực cho người mù do viêm võng mạc sắc tố .

Bản chất của cách làm này được gọi là quang di truyền ( Optogenetics ) - một quá trình mà các nơ ron thần kinh hay các tế bào khác được kích hoạt bằng cách phơi chúng ra trước ánh sáng. Trước giờ đây được cho là cách đầy hứa hẹn giúp các nhà khoa học nghiên cứu hoạt động của não bộ, từ đó đề xuất các biện pháp chữa trị bệnh hiệu quả. Cho tới hiện tại thì nó mới chỉ được thử nghiệm trên động vật nhưng sắp tới, các nhà khoa học tại MIT sẽ lần đầu tiên tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người để giúp người mù nhìn thấy lại.

Cho tới hiện tại thì gần như chỉ có cách cấy ghép võng mạc nhân tạo Argus II là đã được áp dụng trên người và cho kết quả khả quan trong việc phục hồi 1 phần thị lực của người mù. Còn cách làm lần này của các nhà nghiên cứu có phần "tự nhiên hơn" bằng việc trộn DNA của một loài tảo nhạy sáng với DNA của một chủng virus, sau đó cấy trực tiếp lên mắt người.

Cấu tạo tế bào võng mạc

Thử nghiệm sẽ được tiến hành trên những bệnh nhân bị mắc viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa) - một bệnh thoái hóa võng mạc, các thụ quang hình nón và hình que bị chết đi, dẫn tới mù lòa vĩnh viễn. Thay vì phục hồi các tế bào này, nhóm nghiên cứu chuyển sang nhắm tới các tế bào hạch (Ganglion Cells) nằm gần lớp sợi thần kinh, bắt chúng phải sản sinh ra một loại protein nhạy sáng và gởi tín hiệu về não để phản hồi tác động của ánh sáng. Kỹ thuật này đã được áp dụng rất thành công trên chuột mù và sau khi được áp dụng, những con chuột này đã có phản ứng với ánh sáng tương tự như chuột bình thường.

Các nhà khoa học hy vọng rằng cách làm này sẽ giúp tạo ra được ít nhất là 100.000 tế bào nhạy sáng cho người mù, giúp phục hồi thị lực của họ ở mức độ tương đối. Tuy nhiên, trong thực tế thì cho tới thời điểm này họ vẫn chưa biết được chính xác hiệu quả khi áp dụng trên bệnh nhân. Được biết cách làm này vẫn còn một số giới hạn nhất định. Bởi các tế bào tảo chỉ nhạy cảm với ánh sáng lam nên theo dự đoán, bệnh nhân sẽ chỉ nhìn thấy cảnh vật với 2 màu trắng đen.

Đồng thời, khả năng nhạy sáng của các tế bào tảo là không bằng võng mạc người nên nhóm nghiên cứu cho rằng bệnh nhân chỉ nhìn thấy tốt nhất dưới ánh sáng Mặt Trời. Bù lại, họ cho rằng điều này có thể được khắc phục bằng cách cho bệnh nhân đeo thêm một loại kính tăng cường ánh sáng để nhìn thấy tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.

Tham khảo MIT , Engadget

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/phuc-hoi-thi-luc-cho-nguoi-mu-bang-virus-lai-tao.2553370/