Phút đối đầu của tiêm kích Mỹ bắn rơi cường kích Syria

Máy bay Mỹ phóng tên lửa hạ Su-22 Syria sau khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn phi cơ này ném bom nhưng bất thành.

Lầu Năm Góc ngày 21/6 công khai những chi tiết liên quan đến cuộc đối đầu giữa tiêm kích F/A-18E Super Hornet nước này với cường kích Syria Su-22 trên bầu trời phía nam thành phố Raqqa hôm 18/6, theo CNN.

Theo hồ sơ của quân đội Mỹ, họ nhận được lời cầu cứu của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm tay súng chống Nhà nước Hồi giáo (IS) được Washington hậu thuẫn, bị quân đội chính phủ Syria được trang bị xe tăng, pháo cùng nhiều phương tiện kỹ thuật khác đánh bật khỏi vị trí phòng thủ ở thị trấn ngoại ô Raqqa trong sáng 18/6.

Chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet Mỹ. Ảnh: Boeing

Mỹ đã sử dụng đường dây nóng tránh xung đột kết nối với người Nga trong một nỗ lực nhằm thuyết phục quân chính phủ Syria rút lui nhưng không thành công. Máy bay liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu buộc phải xuất kích "bắn phá ngăn chặn" gần vị trí của quân chính phủ Syria, làm giảm tốc độ cuộc tiến công để bảo vệ SDF.

Đúng lúc đó, phi cơ liên quân phát hiện cường kích Su-22 Syria bay phía trên lực lượng SDF. "Họ thấy Su-22 tiếp cận", Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết. Theo ông, cường kích Syria mang theo vũ khí và máy bay Mỹ đã làm mọi điều cần thiết để cảnh báo như bay cắt mặt, phóng pháo sáng. Tuy nhiên, chiếc Su-22 vẫn bổ nhào và ném bom xuống vị trí của SDF.

Ngay sau đó, hai chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet Mỹ xuất kích từ tàu sân bay USS George H.W. Bush được lệnh giao chiến. Một tiêm kích F/A-18E khai hỏa quả tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder nhắm vào cường kích Syria từ khoảng cách hơn 800 m, hai quan chức Mỹ cho hay.

Phát hiện tên lửa lao tới, phi công cường kích Syria liền phóng mồi bẫy nhiệt để tự vệ, khiến tên lửa Mỹ trượt mục tiêu. Phi công Mỹ tiếp tục khai hỏa lần hai, bắn một tên lửa đối không tầm trung AM 120. Quả tên lửa phát nổ ngay phía sau đuôi cường kích Syria, khiến nó đâm xuống đất, phi công phải phóng dù khỏi buồng lái.

Phi công Mỹ nhìn thấy phi công Syria bung dù, nhưng họ cho rằng người này đã đáp xuống khu vực do IS kiểm soát ở Syria. SDF thông báo viên phi công Syria vẫn mất tích.

Quân đội Syria ngay sau đó đã mở chiến dịch giải cứu, tấn công dữ dội vào phòng tuyến của phiến quân và phát hiện phi công kịp thời để đưa về tuyến sau.

Vụ việc hôm 18/6 khiến Bộ Quốc phòng Nga ra quyết định đình chỉ một bản ghi nhớ với Mỹ, nhằm ngăn xảy ra các tai nạn trên không ở Syria. Moscow khẳng định Washington không sử dụng các kênh liên lạc với Nga trước thời điểm bắn hạ máy bay chính phủ Syria.

Nga đồng thời tuyên bố coi mọi vật thể bay trong khu vực không quân nước này hoạt động ở Syria là mục tiêu, dường như nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn tới Mỹ.

Tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng David Goldfein, hôm qua cho hay đường dây nóng phòng tránh tai nạn trên không ở Syria "vẫn hoạt động".

"Chúng tôi hy vọng hai nước có thể quay lại trạng thái bình thường và tiếp tục giữ cho các kênh đối thoại mở", ông Goldfein nhấn mạnh.

Theo Vũ Hoàng/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/phut-doi-dau-cua-tiem-kich-my-ban-roi-cuong-kich-syria-191832/