PMI tháng 2 đạt 50.3 điểm, sản lượng tiếp tục tăng với tốc độ chậm hơn

Các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện nhẹ khi tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm vẫn được duy trì. Tuy nhiên, mức tăng tương ứng ở từng tham số là yếu hơn so với tháng 1. Trong khi đó, giá dầu giảm góp phần giảm mạnh hơn chi phí đầu vào, giá cả đầu ra lại giảm.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 51.5 điểm trong tháng 1 xuống 50.3 điểm trong tháng 2 nhưng vẫn còn ở trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm. Sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong ba tháng liên tiếp, nhưng mức độ cải thiện gần đây là yếu nhất trong quãng thời gian này.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, đại diện công ty khảo sát cho biết: "Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2 đã yếu đi khi nhu cầu quốc tế yếu đã ảnh hưởng đến những nỗ lực duy trì đà tăng trưởng có được từ đầu năm. Phản ánh điều này, một số công ty đã muốn sử dụng hết hàng tồn kho hiện hữu hơn là mua hàng mới hay sản xuất. Trong khi đó, chi phí tiếp tục giảm mạnh nhờ vào giá hàng hóa giảm, đặc biệt là giá dầu".

Cụ thể, sản lượng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng tháng thứ ba liên tiếp mặc dù chỉ là tăng nhẹ và với tốc độ chậm hơn so với tháng 1. Sự chậm lại này đã dẫn đến giảm tồn kho hàng thành phẩm khi các công ty sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Hơn nữa, hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 2/2014.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 2 đã tăng chậm hơn. Ở những nơi số lượng đơn đặt hàng tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu của khách hàng đã được cải thiện. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, và tăng với tốc độ nhanh hơn tháng trước. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã góp phần làm tăng lượng công việc tồn đọng tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù mức tăng trong tháng 2 chỉ là nhỏ.

Tương tự như vậy, việc làm gần như không thay đổi trong kỳ khảo sát mới nhất khi mà một số công ty tuyển thêm người để đáp ứng tăng trưởng sản xuất, một số công ty khác lại giảm việc làm. Mức độ việc làm đã tăng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.

Giá cả đầu vào đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng tính tới tháng 2, từ đó kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành tám tháng. Theo những người trả lời khảo sát, giá dầu giảm là nhân tố chính dẫn đến giảm chi phí. Cả lĩnh vực hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản đều có giá đầu vào giảm.

Trước bối cảnh chi phí đầu vào giảm và nhu cầu khách hàng còn yếu, các nhà sản xuất đã hạ giá bán sản phẩm. Mức giảm gần đây nhất là mạnh, nhưng là chậm nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Bên canh đó, hoạt động mua hàng đã tăng nhẹ và mức tăng là yếu hơn so với tháng trước. Trong khi đó, tồn kho hàng mua giảm với mức độ lớn nhất trong thời gian hai năm rưỡi.

Ngoài ra, thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 2 đã bị kéo dài ba tháng liên tiếp vì sức ép công việc lớn, nhưng mức độ giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng vẫn chỉ là nhẹ./.

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/1900/01/pmi-thang-2-dat-503-diem-san-luong-tiep-tuc-tang-mac-du-voi-toc-do-cham-hon-761-450993.htm