Thực tế đáng buồn, bội phần lo ngại

Mù mờ hoặc không biết luật chơi Poker; chưa từng nghe đến tên loại hình này trước đây; hay bản thân cũng cảm thấy cấn cá, không chắc chắn… - những 'tồn tại' có thật của lớp cán bộ công quyền đang được giao trách nhiệm quản lý, giám sát bộ môn sử dụng bài lá gây tranh cãi này. Thực tế 'buồn bã' này càng khiến cho việc cấp phép, phổ biến Poker thêm bội phần lo ngại.

Một ván bài Poker tại Thái Nguyên Poker Club.

Tiết lộ bất ngờ

Tại Thái Nguyên Poker Club tọa lạc trên tầng 4 một tòa nhà sang trọng ở phố Phan Đình Phùng (TP.Thái Nguyên), trong vai những người chơi sành sỏi từ Hà Nội về, chúng tôi tiếp cận ông Hoàng Minh Phương - chủ nhân của CLB này và được nghe những chuyện “thâm cung bí sử” mà chỉ người trong nghề mới hiểu.

Ông Phương khẳng định, ông là người rất đam mê bộ môn bài lá này và từng sở hữu một CLB Poker đình đám tại Hà Nội cho đến trước khi Win Poker (67 Phó Đức Chính) rồi Capital Poker (136 Hàng Trống) ra đời gần như cùng lúc dưới sự bảo lãnh của Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam. CLB của ông thậm chí nổi tiếng đến mức đầu năm 2016 còn được chính Hiệp hội chọn là nới tổ chức giải Bridge & Poker thử nghiệm toàn
Hà Nội.

Thế nhưng, mọi việc sớm rẽ nhánh sang một hướng khác khiến ông Phương không còn mặn mà với tổ chức có công lớn nhất đưa bộ môn Poker đầy tranh cãi vào Việt Nam. Do đó, đầu năm 2017, ông quyết định lên Thái Nguyên mở CLB Poker cho riêng mình.

Ông Phương cũng đồng thời tiết lộ một khoản phí khủng cũng như một mức “cắt phế” theo tháng không hề dễ chịu nếu muốn được Hiệp hội Bridge & Poker Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho thành lập CLB. “Ngay từ đầu tôi đã không có ý định kết hợp với Hiệp hội, bởi tính tôi không muốn phụ thuộc ai... Không trực thuộc Hiệp hội thì không phải mất khoản tiền kia…” - ông Phương tâm sự.

Ông chủ của Thái Nguyên Poker Club cho biết, nếu có giấy chứng nhận của Hiệp hội thì chỉ cần UBND cấp phường (xã) đồng ý cho đặt trụ sở thì coi như hoàn thành thủ tục lập CLB. Còn nếu không qua Hiệp hội thì phải xin phép từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở Nội vụ rồi sau đó Chủ tịch tỉnh phải là người ký thành lập Hội Bridge & Poker cấp tỉnh. Từ Hội cấp tỉnh lại thành lập ra CLB…

Ông Phương khẳng định, mặc dù chọn đi một con đường riêng - con đường mà ông tự tin là ít người biết để đi theo - nhưng tình cảm của ông và những CLB khác vẫn khá tốt đẹp. “Không trực thuộc Hiệp hội không có gì phải ghét nhau. Quan điểm của tôi là chơi với nhau có nền tảng. Từng thị trường thì lại có cách làm khác nhau…” - ông Phương nói thêm.

Cũng theo ông Phương, hiện tại ở Thái Nguyên có khoảng 100 người biết chơi Poker, trong đó chơi thường xuyên thì khoảng 30, 40 người. Tuy vậy, do cuối tuần có cả khách ở Hà Nội về nên CLB cũng khá nhộn nhịp. Ngay từ tháng đầu tiên CLB đã tự nuôi được mình và dự kiến đã có thể đóng thuế. Với triển vọng này, ông kỳ vọng sẽ mở thêm các CLB ở tỉnh khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh…

“Cái món này ai bảo cờ bạc thì nó là cờ bạc, nhìn nó là thể thao thì nó là thể thao. Nó là ranh giới…” - ông chủ của Thái Nguyên Poker Club lấp lửng...

Những ghi nhận đáng buồn

Nhằm đi đến tận cùng tính pháp lý của câu chuyện thành lập Hội Bridge & Poker cấp tỉnh, Nhóm PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với đại diện Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp chuyện PV, ông Lưu Công Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDH tỉnh Thái Nguyên - tỏ ra là người khá hồ hởi. Ông vào thẳng vấn đề: “Cái này mong manh như sợi chỉ nên tôi vẫn thường nhắc anh em phải luôn sát sao…”.

Nói về câu chuyện pháp lý, ông Sơn cho biết: “Việc CLB Poker Thái Nguyên được thành lập theo đúng quy định của pháp luật và do chính Chủ tịch UBND tỉnh ký giấy phép. Có văn bản của Tổng cục Thể dục Thể thao ký xuống các sở cho phép phát triển bộ môn này. Rồi thành lập Ban vận động, tiến hành các bước theo quy trình. Xây dựng điều lệ đến mọi thứ, báo cáo Sở Nội vụ trình Ủy ban… Cái gì pháp luật không cấm thì chúng tôi ủng hộ, không một điều kiện”.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, Giám đốc của ông cũng tỏ ra rất quan tâm, sốt sắng đưa bộ môn này về Thái Nguyên. Do đó, mọi việc khá hanh thông, thuận lợi…

Tại buổi làm việc có cả ông Tạ Đình Chiến - Trưởng phòng Quản lý thể thao của Sở, người trực tiếp được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát hình thức thể thao này tại địa phương. Giống như lãnh đạo của mình, ông Chiến thừa nhận ở bộ môn Poker, ranh giới giữa thể thao trí tuệ và đánh bạc rất mong manh. “Quan điểm của Sở là muốn xây dựng thể thao lành mạnh chứ tuyệt đối không khuyến thích thứ thể thao vô lối mang tính chất cờ bạc” - ông Chiến nói.

Cũng trong buổi làm việc, trước câu hỏi về Poker, ngoài việc thừa nhận chưa từng nghe đến bộ môn này cho đến thời điểm có người mang lên phổ biến tại Thái Nguyên, cả hai vị lãnh đạo đều tỏ ra khá ít kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức. Trong khi ông Sơn thừa nhận “chưa nghiên cữu kỹ” luật chơi Poker thì ông Chiến kể: “Đầu năm nay tôi mới biết. Những người vận động mang đến một cái đĩa bật cho mình xem, rồi nói là đã tổ chức ở nước này nước kia, giải này giải kia, rồi các sếp bảo tạo điều kiện thì mình làm…”.

Về việc CLB này không gia nhập Hiệp hội Thể thao Bridge và Poker Việt Nam, cả hai ông đều khẳng định không biết tại sao. “Ở góc độ quản lý chúng tôi cũng rất mong Hiệp hội phối hợp để các hoạt động diễn ra theo đúng quy định mà cơ quan chức năng cho phép” - ông Sơn nói.

Trước đó, trong loạt bài đầu tiên về Poker, tại thời điểm tháng 5.2017, PV Báo Lao Động cũng đã tiến hành phỏng vấn lãnh đạo 2 phường là Hàng Trống (nơi đặt Capital Poker Club) và Trúc Bạch (nơi đặt Win Poker Club), ngoài việc khẳng định các CLB kể trên làm đúng luật, lãnh đạo 2 phường cũng đều cho biết bản thân không nắm rõ luật về bộ môn này.

Nhóm PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/poker-the-thao-hay-co-bac-tra-hinh-thuc-te-dang-buon-boi-phan-lo-ngai-683933.bld