PR cho "dế" tồn kho "nổ" hơn bom

ICTnews - Để bán được những chú "dế" thuộc dạng tồn kho hoặc sản phẩm mới, liên tiếp trong thời gian gần đây một số doanh nghiệp đã không ngại cho phao tin PR trên một số phương tiện truyền thông với lời khẳng định “Cháy hàng”.

HKphone 4i - chiếc điện thoại được “tung tin” là ngay sau khi ra mắt, tất cả hệ thống showroom của hãng đã rơi vào tình trạng cháy hàng bởi số lượng người mua và đặt hàng quá lớn. Ảnh: K.A

HKphone 4i - chiếc điện thoại được “tung tin” là ngay sau khi ra mắt, tất cả hệ thống showroom của hãng đã rơi vào tình trạng cháy hàng bởi số lượng người mua và đặt hàng quá lớn. Ảnh: K.A Tại Việt Nam, BlackBerry 8820 là dòng điện thoại được biết đến từ đầu năm… 2008. Nói về tính năng, dòng điện thoại này cũng không có gì đặc biệt ngoài việc được trang bị GPS định vị toàn cầu, truy cập web qua… GPRS, hỗ trợ ứng dụng văn phòng... Nếu xét tất tật thì sản phẩm này thuộc hàng “có tuổi” trong giới công nghệ và đã trở nên lỗi thời. Ấy thế, liên tiếp trong tháng 10 và 11/2011, thị trường trong nước đã được dịp phát… sốc khi qua một số trang thông tin điện tử như 24h.com.vn, Kênh 14…, công ty kinh doanh điện thoại có tên là K.V (chi nhánh tại Hà Nội, TP.HCM…) tung loạt bài PR khẳng định chắc nịch: BlackBerry 8820 đang “cháy hàng”, “BlackBerry 8820 thực sự đang tạo nên cơn sốt về dòng sản phẩm điện thoại thông minh nhưng có giá cực mềm trên thị trường điện thoại di động Việt Nam”. Chưa hết, sau đó chỉ dăm ngày, doanh nghiệp này còn tiếp tục tung thêm thông tin cho một sản phẩm khác cũng sở hữu “thâm niên” đến vài năm nay là BlackBerry 8830 cũng với từ gây sốc: “Cháy” ngùn ngụt, đồng thời khẳng định “BlackBerry 8830 và 8820 đang sốt nhất trên thị trường hiện nay”… Cũng liên quan đến câu chuyện như trên, thời gian qua thị trường trong nước cũng đã chứng kiến không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu PR lạm dụng từ “cháy hàng” nhằm câu khách. Trường hợp chiếc điện thoại mô phỏng hình dáng xe hơi của hãng HK phone là F458 hay T91 đang được phân phối trong nước cũng là những ví dụ điển hình. Điều “thú vị” nằm ở chỗ, dù cả hai “xế mobile” này đều còn… lạ hoắc trên thị trường, chưa được nhiều người quan tâm hay biết đến thì hồi tháng 7 vừa qua cũng được doanh nghiệp phân phối cho đăng thông tin “cháy hàng” đến là rôm rả trên hàng loạt trang tin điện tử. Tuy nhiên, xét về độ “gây sốc” thì phải kể đến trường hợp chiếc điện thoại giống y chang kiểu dáng iPhone 4 là HKphone 4i (được bán với giá hơn 2 triệu đồng) cũng của hãng HKphone được quảng cáo rình rang hồi đầu tháng 10/2011: “Sau 2 ngày hãng điện thoại Hkphone chính thức tung ra sản phẩm HKphone 4i, tất cả hệ thống showroom của hãng đã rơi vào tình trạng cháy hàng bởi số lượng người mua và đặt hàng quá lớn”. Thậm chí, cao trào… PR được đẩy lên đến mức cực điểm khi “khoe”: “Khách hàng đến rất đông từ sáng đến tận tối hết giờ làm tại cửa hàng”, tựa như khung cảnh chẳng khác gì chuyện xếp hàng đi mua những siêu phẩm iPhone 4 “xịn” đến từ hãng Apple. Ngay sau khi trên mạng xuất hiện tràn lan các thông tin PR dành cho các chú dế với việc bắt từ “cháy hàng” phải… lao động quá sức như trên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, rất nhiều người cho rằng ngay khi đọc những thông tin kiểu như BlackBerry 8830, BlackBerry 8820 hay HKphone 4i cháy hàng, cảm giác đầu tiên của họ chính là thấy… hài hước và không thể tin nổi. Bởi trong thực tế, những mặt hàng nói trên đều là sản phẩm quá cũ (với trường hợp hai sản phẩm của BlackBerry) hay sản phẩm “mới toanh” giống iPhone 4 như HKphone 4i hiện vẫn đang ung dung với… số lượng lớn để chờ khách tại rất nhiều cửa hàng bán điện thoại di động, chứ chẳng phải khan hiếm. Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, chị Ngọc Anh, người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội cho rằng đương nhiên là chẳng ai đi… đánh thuế các doanh nghiệp tung tin PR kiểu như vậy để kích cầu thị trường. Thế nhưng, vấn đề ở đây lại nằm ở chỗ các doanh nghiệp cần phải lựa chọn thông tin PR một cách khéo léo hơn, chứ không thể “khuấy động” thị trường bằng những lời lẽ ru ngủ người tiêu dùng... quá mức. “Khi người dùng có cảm giác là thông tin sai sự thật thì thường họ sẽ không quan tâm đến sản phẩm của các doanh nghiệp”, chị Ngọc Anh lưu ý.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Di-dong/12/PR-cho-de%C2%A0ton-kho%C2%A0no-hon-bom/97941/index.ict