PTT Trịnh Đình Dũng: Nếu không ứng phó kịp thời, thiệt hại bão số 10 vô cùng lớn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn; yêu cầu phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa ngày 15/9.

Sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo các bộ, ngành, một số chuyên gia, cố vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA; 25 đầu cầu gồm 17 tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà, các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại nhiều địa phương, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBNT tỉnh dự họp.

Tại hội nghị, Bộ trưởng NNPNTN Nguyễn Xuân Cường quán triệt tinh thần họp nhanh, báo cáo ngắn gọn để dành thời gian cho công tác chuẩn bị ứng phó.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là cơn bão rất mạnh kèm theo mưa lớn, từ hôm nay 14/9 đến hết ngày 16/9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).

Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Trị: cấp 4. Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác: cấp 3.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi họp. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển.

Tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải, tàu du lịch,…) biết diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14/9.

Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn, đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi.

“Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Những việc này phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa ngày 15/9.

Hương Nguyễn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ptt-trinh-dinh-dung-neu-khong-ung-pho-kip-thoi-thiet-hai-bao-so-10-vo-cung-lon-209071.htm