PTT Vũ Đức Đam: Hạn chế tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ

Ngày 17/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về tình hình đào tạo, tuyển sinh ngành sư phạm tại các trường đại học, cao đẳng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có đào tạo giáo viên. Từ năm 2013, Bộ đã có chủ trương hạn chế mở ngành đào tạo sư phạm, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013 – 2015; tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; tạm dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông; tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên…

Chủ trương trên đã góp phần giảm nhiều chỉ tiêu sư phạm, đặc biệt là các chỉ tiêu đào tạo không chính quy. Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, tạm dừng tuyển sinh 39 ngành sư phạm; cảnh báo 27 ngành cần tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Từ năm 2016, Bộ yêu cầu các trường báo cáo số sinh viên tốt nghiệp có việc làm hằng năm trong từng ngành để xác định tính hiệu quả, thiết thực của các chương trình đào tạo theo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các trường, tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp năm 2015 đến năm 2016 có việc làm đạt khoảng 80%, vẫn thấp hơn tỷ lệ có việc làm chung trong toàn khối Đại học là 86%. Thống kê cũng cho thấy, ở tất cả các cấp bậc học hiện nay đang dôi dư cục bộ tổng số 26.750 giáo viên, thiếu 45.058 giáo viên.

Trong đó mầm non là cấp học duy nhất không dư thừa nhân lực, cũng là cấp học đang thiếu số lượng giáo viên nhiều nhất, trên 32.600 người. Việc bố trí số lượng giáo viên thiếu cân đối, hợp lý ở từng cấp bậc học, môn học và mỗi địa phương khác nhau là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Theo đó, cần dự báo sát nhu cầu tuyển dụng giáo viên; quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm; đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng và đảm bảo chất lượng; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ hiện nay, cần khảo sát nhu cầu nhân lực ngành sư phạm tại các địa phương, mức độ thừa, thiếu giáo viên các cấp bậc học. Các ngành không đảm bảo chất lượng, ngành dư thừa phải dừng đào tạo. Những ngành đủ điều kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút người học đối với ngành sư phạm; tăng cường kiểm định chất lượng các trường sư phạm, chương trình đào tạo sư phạm; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.

Các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Sau khi quy hoạch, các trường trung tâm sẽ được ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng của toàn hệ thống.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường cao đẳng xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại số lượng cán bộ, giáo viên trong diện biên chế nhưng đang bị dôi dư. Đây là giải pháp cấp bách góp phần giảm khó khăn, giải quyết căn bản tình trạng thừa – thiếu nhân lực trong phạm vi địa phương.

Các trường đại học chuyên ngành về sư phạm tập trung nguồn lực để xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, phối hợp cùng các trường cao đẳng tại địa phương tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Bộ cam kết thực hiện quyết liệt và căn cơ những giải pháp này.”

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Giáo viên là nhân tố chính, góp phần quyết định chất lượng giáo dục. Hiện nay một bộ phận giáo viên năng lực vẫn chậm được cập nhật, khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Vì vậy, song song với việc tăng cường đào tạo, tập huấn cho giáo viên, giáo viên cũng cần chủ động thường xuyên cập nhật, học hỏi kiến thức.

Ngoài ra, việc phân bổ nhân lực trong ngành sư phạm còn mang tính địa phương; nếu không chú ý đến chất lượng đào tạo của các trường sư phạm tại các tỉnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục lâu dài của chính mỗi địa phương đó.

Phó Thủ tướng cho rằng, thực trạng sinh viên ngành sư phạm ra trường khó xin việc, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng tuyển sinh đầu vào ở một số trường rất thấp.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương và bộ, ngành liên quan đánh giá sát nhu cầu nhân lực ngành sư phạm, không chỉ riêng về tổng chỉ tiêu biên chế mà cần cụ thể ở từng cấp học, môn học và tại mỗi tỉnh, thành phố; góp phần hạn chế tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích cực triển khai thí điểm phương án “đặt hàng” các trường đại học, học viện trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành; nghiên cứu quy trình chuyển đổi đối với những ngành “nóng”, đang thiếu nhân lực như du lịch, công nghệ thông tin...; góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội, giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm không tìm được việc làm.

“Nếu làm tốt những việc trên, đặc biệt là trong đánh giá chất lượng từng trường, từng nơi, gắn với chỉ tiêu, "đặt hàng" đào tạo và đào tạo lại giáo viên thì những vấn đề của đào tạo sư phạm sẽ từng bước được giải quyết.

Bộ trưởng đã cam kết bây giờ chúng ta phải thực hiện có kết quả. Chúng ta rất chia sẻ với giảng viên của các trường sư phạm nhưng không thể vì hàng nghìn cán bộ, giảng viên đang công tác trong các trường sư phạm mà chúng ta coi nhẹ công tác đào tạo giáo viên”, Phó Thủ tướng nói./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ptt-vu-duc-dam-han-che-tinh-trang-thua-thieu-giao-vien-cuc-bo/54236.html