Quá béo để bay: Nữ tiếp viên Nga chống phân biệt đối xử

Đầu tuần này, nữ tiếp viên Evgenia Magurina (ảnh trái) đã nhận được phán quyết cuối cùng tại tòa án về đơn khởi kiện Hãng hàng không Aeroflot phân biệt đối xử với cô. Trong khi đó, Svetlana Medvedeva (ảnh phải) chờ phán xử của thẩm phán để thực hiện ước mơ làm nữ thuyền trưởng.

Nữ tiếp viên Evgenia Magurina (ảnh trái), Svetlana Medvedeva (ảnh phải)

Béo thì không bay

Trong một nỗ lực tiết kiệm chi phí, Aeroflot đã có sáng kiến gắn chi phí cho các tiếp viên của mình với bộ đồng phục họ mang trên người. Và đó là khởi đầu của vụ kiện: Nữ tiếp viên Evgenia Magurina đưa Aeroflot ra tòa vì phân biệt đối xử.

“Chuyện đó thật vớ vẩn. Từ bao giờ người ta nghĩ ra việc cắt chi phí may đồng phục, chỉ vì vóc dáng quá khổ của ai đó?” - nữ tiếp viên mặc đồ size hơn 48 (cỡ Nga, tương đương với size 14 của Anh, 12 của Mỹ) có thâm niên 7 năm trên các chuyến bay của Aeroflot - chia sẻ. “Họ nói rằng ‘thành công’ của một nữ tiếp viên phụ thuộc vào vóc dáng của cô ấy, và chuyện đó thực sự khiến tôi sốc và cảm thấy bị xúc phạm”.

Aeroflot khẳng định không hề có ý hay hành động trực tiếp phân biệt đối xử với nhân viên của mình. Thực tế, năm ngoái, các thành viên đoàn bay của hãng này được yêu cầu may đo và chụp ảnh để làm đồng phục. Sau đó, Magurina được thông báo là cô có “vòng 1 và 3” quá lớn, và được yêu cầu phải mặc áo ngực thể thao khi làm việc.

Đến tháng 10.2016, cô được thông báo các khoản thưởng của mình bị cắt bỏ, đồng thời bị loại khỏi phi hành đoàn tham gia các chuyến bay đường dài.

Không hài lòng với thông báo, cô chất vấn lãnh đạo và được giải thích rằng số đo giới hạn của Aeroflot đặt ra cho thành viên phi hành đoàn là size 48 (Nga). Kể từ đó, Magurina cũng như hàng trăm nữ tiếp viên chịu cảnh tương tự, gia nhập CLB STS - trong tiếng Nga có nghĩa là già, béo và xấu.

Thay vì phục vụ hành khách trong các chuyến bay tới New York, họ được chuyển sang làm việc trong những chuyến bay đêm, nội địa quanh thành phố Nizhny Novgorod, “chỉ để không ai nhìn thấy chúng tôi”.

Đối mặt với tình trạng bị cắt giảm tới 30% thu nhập, Evgenia Magurina buộc phải đưa chính sếp của mình ra tòa.

“Họ chỉ quan tâm tới ngoại hình của chúng tôi. Nhưng, nghề tiếp viên có mục đích số 1 trên mỗi chuyến bay là người cứu hộ”, Magurina nhấn mạnh. “Hãy thử tưởng tượng nếu họ có quy định tương tự cho các thẩm phán hay bác sĩ? Chuyện đó thật ngớ ngẩn!”.

Tuy nhiên, không chỉ các nữ tiếp viên chịu sự phân biệt đối xử. Tại thành phố Samara, miền Trung nước Nga, Svetlana Medvedeva đã bị ngăn cản thực hiện ước mơ làm nữ thuyền trưởng. Năm 2012, cô được thuê làm hoa tiêu và thợ máy tại một công ty vận tải đường thủy. Tuy nhiên, lời đề nghị bị rút lại sau khi bộ phận nhân sự của công ty này can thiệp, với lý do duy nhất: Svetlana là nữ.

Nước Nga ngày nay có 456 hạng mục nghề nghiệp được xem là không dành cho phụ nữ, với lý do nguy hiểm hay ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản, trong số đó bao gồm lái tàu hỏa, lính cứu hỏa và thợ mộc. Tất nhiên, vẫn có ngoại lệ cho nữ giới, khi và chỉ khi người sử dụng lao động chứng minh được họ có những điều kiện an toàn - đặc biệt cho nữ lao động của mình.

Svetlana Medvedeva cũng như Magurina đã đưa sự việc này ra tòa. Ai mất công đi chứng minh những điều
kiện đó? Tháng 2.2016, Ủy ban Chống phân biệt đối xử của LHQ đã khẳng định việc Svetlana Medvedeva bị từ chối nhận việc là thiếu công bằng, chỉ vì giới tính.

Công lý lên tiếng

Tòa án Tối cao Nga đã yêu cầu mở lại vụ kiện của Svetlana Medvedeva ngày 15.9, thẩm phán tại Samara đưa ra phán quyến cuối cùng.

Trong khi đó tại Mátxcơva, Evgenia Magurina vừa kết thúc cuộc chiến pháp lý của mình.

Các luật sư của Aeroflot bảo vệ chính sách của thân chủ, nói rằng mỗi một cân thừa sẽ khiến cho hãng này phải chi nhiều tiền hơn cho việc mua nhiên liệu. Mặt khác, chính sách của hãng căn cứ vào thực tế các lối đi trên máy bay rất hẹp, sức khỏe của thành viên phi hành đoàn, thay vì dựa trên ngoại hình.

Tuy nhiên, thẩm phán phiên tòa đã tuyên bố chính sách chi trả của Aeroflot là bất hợp pháp, rằng Evgenia Magurina xứng đáng được đối xử khác.

“Tôi hy vọng điều này có ý nghĩa với phụ nữ nói chung, những người béo như tôi nói riêng, trong cuộc chiến giành bình đẳng cho nữ lao động” - Magurina nói khi vẫn còn run rẩy vì sốc và ngạc nhiên trong vòng tay người thân và bè bạn. “Cuối cùng, công lý đã lên tiếng”.

THÀNH LƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/qua-beo-de-bay-nu-tiep-vien-nga-chong-phan-biet-doi-xu-564909.ldo