Qua miền trầm tíchBài 1: Những thắng cảnh nổi tiếng

Trong khi du khách Việt Nam phần lớn tìm về với những trung tâm đô thị sầm uất như Hồng Kông, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Bắc Kinh- Trung Quốc để tham quan những phố thị chọc trời, mua sắm và tiêu khiển, thì Tứ Xuyên và Vân Nam, vùng đất phía tây nam Trung Quốc, hình như ít người chọn lựa khi đến với đất nước Trung Hoa rộng lớn. Ngược với trào lưu ấy, những ngày hè này, chúng tôi tìm về Vân Nam, Tứ Xuyên để rồi bắt gặp những miền trầm tích tự nhiên và văn hóa với vô vàn bất ngờ thú vị.

Tác giả đứng cạnh vách đá cheo leo, nơi cá chép hóa rồng trên đỉnh Tây Sơn.

Trong khi ở TP Đà Nẵng những ngày đầu tháng 6 nóng như rang, nhiệt độ đạt đỉnh 38-39 độ C, thì Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), thời tiết thật dễ chịu, nhiệt độ chỉ 20- 22 độ C. Tứ Xuyên vốn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh như Cửu Trại Câu, núi Nga Mi... phong cảnh hữu tình, đã được nhiều người biết đến qua nhiều thiên tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Tứ Xuyên cũng là vùng đất nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa, vùng đất của nhiều anh hùng, hào kiệt- xứ sở của Vua Thục một thời binh lửa...

Nhưng ở Tứ Xuyên, có một nơi không giống những địa danh trên, đó là Đô Giang Yển, cũng là nơi thu hút đông đảo du khách Trung Quốc tìm về. Đô Giang Yển cách trung tâm Thành Đô 75 Km, có lịch sử hơn 2.000 năm, là di sản thế giới. Đó là công trình thủy lợi, chỉnh trị dòng sông Min. Đây chưa hẳn là một thắng cảnh được xếp hạng trong vùng tây nam Trung Hoa, nhưng ý nghĩa quan trọng của nó ở chỗ đã thể hiện ý chí và sức mạnh của con người trong chỉnh trị dòng sông, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tương truyền, để chỉnh trị dòng sông Min, viên quan cai quản vùng này lúc bấy giờ đã nghĩ ra cách cực kỳ thông minh là cho chất củi, đốt quanh ngọn núi đá ngăn dòng sông, ròng rã suốt 8 năm trời. Và nhiệt độ của lửa cùng ý chí con người đã nung chảy ngọn núi đá vôi, khai thông dòng chảy mới, tưới mát ruộng đồng cho cả vùng hạ du khô cằn. Sức mạnh của con người ngàn xưa là niềm ngưỡng mộ của bao du khách ngày nay. Làm du lịch đôi khi chỉ cần biết khai thác triệt để những điều đơn giản vậy.

Một góc Đô Giang Yển. Ảnh : Đ.D

Người Trung Quốc rất giỏi trong khai thác những thắng cảnh tự nhiên để thu hút du khách. Những trầm tích hàng triệu triệu năm cùng với những biến đổi của nó đã mang đến cho vùng đất Vân Nam nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Núi Tây Sơn với truyền thuyết cá chép hóa rồng; Núi Thương Sơn với điệp trùng rừng thông cổ thụ chạy dài theo triền núi, nổi tiếng với loài hoa đỗ quyên; Núi Tuyết (Tuyết Sơn) với độ cao hơn 5.000m, dốc núi đá dựng đứng, quanh năm tuyết phủ... Vân Nam là vùng đất của điệp trùng núi đá. Cái hay của người Trung Quốc là biết khai thác tối đa lợi thế của tự nhiên để lôi kéo du khách. Ở Thương Sơn, hệ thống cáp treo đưa du khách cheo leo trên độ cao hơn 2.000 đến 3.000m để chiêm ngưỡng rừng thông bạt ngàn trải dài trên triền núi, ngắm hoa đỗ quyên khoe sắc nổi bật trên nền xanh thẳm của núi rừng, hoặc dừng chân chiêm ngưỡng một trong 18 dòng suối như thác lũ tít tận trời cao đổ về hồ Nhĩ Hải, đẹp mê hồn. Du khách cũng có thể chọn con đường bộ hành từ chân núi để ngắm hoa đỗ quyên nở trong bạt ngàn thông reo dưới thung của núi rừng sơn cước.

Không như Thương Sơn, Tây Sơn là vùng núi đá vôi như núi Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng, nhưng cái độc đáo của Tây Sơn là con đường lên đến Thiên Long Môn, nơi cá chép hóa rồng, được làm toàn bằng đá, qua 3 đời với 80 năm ròng rã, chạy dọc theo vách núi cheo leo. Trên những bậc cấp nhẵn dấu chân người, từ Long môn Tây Sơn nhìn ra xa là hồ Điền rộng lớn hút tầm mắt, phía dưới là con đường cao tốc, ai yếu tim không đủ can đảm ngắm nhìn. Du khách tìm về núi Tây Sơn để được nghe truyền thuyết cá chép hóa rồng, được tận mắt ngắm Thiên Long Môn, tận tay một lần sờ hạt ngọc của cá chép khi vượt vũ môn hóa rồng. Phải chăng sức hút từ truyền thuyết, từ bàn tay tài hoa của các bậc tiền bối hòa quyện cùng vẻ đẹp của trầm tích tự nhiên ngàn đời đã thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi ngày đến với những địa danh miền sơn cước này?

Núi Tây Sơn nhìn từ xa- nơi có sự tích cá chép hóa rồng. Ảnh: Đ.D

Ngoài Tây Sơn và Thương Sơn, thì Tuyết Sơn là điểm du lịch, khai thác tự nhiên thú vị, ấn tượng nhất. Ở độ cao hơn 5.000m, quanh năm băng đá bao phủ đỉnh núi. Theo lời anh phiên dịch tên Trí- người Côn Minh, thì đến nay chưa ai chinh phục được đỉnh Tuyết Sơn, vì đặc thù núi đá ở đây rất giòn, các nhà leo núi không thể cố định dụng cụ leo núi vào vách đá để lên đến đỉnh núi được. Cáp treo chỉ có thể đưa du khách lên độ cao 4.506m. Ở đây có băng đá tuyết dày, đông cứng như đá núi. Trước khi lên đến độ cao này, du khách được khuyến cáo phải mang theo áo chống rét và bình oxy (như bình gas mini) để hỗ trợ thở vì không khí bị loãng khi ở độ cao làm con người thiếu dưỡng khí. Các shop ở đây đều có dịch vụ cho thuê áo chống rét và bán bình oxy cho du khách, mỗi bình giá cũng khá rẻ, chỉ 35 tệ. Từ điểm dừng chân ở chân núi, khách tham quan được trung chuyển bằng ô-tô để lên ga. Từ đó cáp treo sẽ đưa du khách đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái về biến đổi cơ thể và cảm giác choáng ngợp về độ cao để được trải nghiệm một lần đặt chân trên băng đá trên đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ này. Ai đã đến đỉnh Tuyết Sơn hẳn sẽ không bao giờ nuối tiếc về sự chọn lựa mạo hiểm của mình.

Đi qua vùng đất Thành Đô, Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang, tôi nhận ra những trầm tích tự nhiên trải dài hàng triệu năm biến đổi, đã ban tặng cho vùng Tứ Xuyên - Vân Nam, hay cho vùng đất và con người Trung Hoa thật nhiều ưu đãi. Tất cả là món quà vô giá, được nhào nặn, tạo dựng thêm bởi bàn tay và khối óc con người qua bao thế hệ để hình thành những điểm du lịch không thể không đến của một đời người.

(còn nữa)

NGUYỄN ĐỨC DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_167816_qua-mie-n-tra-m-ti-ch.aspx