Quà quê của thầy...

QĐND - Khi tôi vào học lớp 8 Trường Cấp 3 Bố Trạch (Quảng Bình) thì thầy còn trẻ lắm. Hình như, thầy cũng vừa mới ra trường, tuổi ngoài hai mươi một chút. Tôi chưa quên cái dáng cao cao, gầy gầy, khuôn mặt xương xương và mái tóc cắt ngắn của thầy. Thầy dạy văn lớp tôi.

Thời ấy, Quảng Bình quê tôi vẫn bom rơi đạn nổ tơi bời. Trường chúng tôi phải sơ tán từ nơi này đến nơi khác liên tục. Lũ học trò cấp 3 phải vào rừng đẵn gỗ, cắt tranh để làm hầm, làm nhà nhiều lần, mệt mỏi quá nên chế thơ Tố Hữu để đọc cho vui: Đời đi học từ nay tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là chịu cảnh làm hầm/ Là cây kề cổ, gỗ kề vai/ Là thân sống coi còn một nửa. Chặng đời học cấp 3 của chúng tôi khổ lắm, thiếu thốn trăm bề; ăn thì khoai sắn là chủ lực, mặc thì áo vá vai, quần tích kê đầu gối, học thì giấy bút sách giáo khoa phải dành dụm từng tí một. Cực nhọc thế, thiếu thốn thế nhưng chẳng mấy ai bỏ học. Vượt qua bãi bom B.52, chúng tôi vẫn đến trường, bên những chiếc đèn phòng không tù mù, chúng tôi vẫn say mê với từng bài văn, bài toán… Lòng hiếu học đã giúp chúng tôi vượt qua gian khó. Và, tôi không thể không nhắc tới điểm tựa vững chãi của chúng tôi trong những năm tháng ấy là các thầy cô.

Giờ giảng văn đầu tiên, thầy bước vào lớp tôi với nụ cười tươi trẻ. Cả lớp đứng dậy chào thầy. Mấy cô bạn gái xì xào: “Ui chao, thầy trẻ quá!”. Thầy nhìn khắp lượt rồi cho chúng tôi ngồi xuống. Giọng thầy vang ấm: “Tôi được nhà trường phân công dạy văn ở lớp ta. Tôi là Hoàng Quang Đông, quê ở Bảo Ninh…”. Vậy là thầy cùng quê với mệ Suốt anh hùng! Lũ học trò lao xao. Thầy hưởng ứng: “Đúng thế, tôi đồng hương với mẹ Suốt, nhân vật rất đẹp trong một bài thơ của Tố Hữu. Chắc các em đã biết bài thơ này? Em nào thử đọc cho thầy nghe nào!”...

Cả lớp nhìn về phía tôi, nhao nhao: “Thưa thầy, bạn Quý… Bạn ấy là học sinh giỏi văn ở cấp 2 đấy ạ”. Thầy cười: “Em Quý đâu, đứng dậy đọc tiếp bài Mẹ Suốt cho cả lớp nghe đi!”. Tôi ngập ngừng đứng dậy, lí nhí: “Dạ, thưa thầy, em đây. Em có thuộc bài thơ nhưng đọc không hay mô thầy ạ”. Thầy nhìn tôi trìu mến: “Không sao, em cứ mạnh dạn đọc đi”. Ánh nhìn của thầy làm cho tôi tự tin hơn, tôi cất giọng: Sớm chiều nước xuống triều lên/ Cực thân từ thuở mới lên chín mười… Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày/ Sợ chi sóng gió tàu bay/ Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua/ Kể chi tuổi tác già nua/ Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng…

Như bị nhập đồng, tôi quên hết ngại ngùng, chuyển qua diễn theo kiểu vè Bình Trị Thiên: Ngẩng đầu mái tóc mẹ… rung…/ Gió lay như (ư) sóng biển tung… trắng (ừ) b…ờ...ờ…

Lũ bạn tôi vỗ tay rào rào. Cánh mũi tôi phập phồng khi nghe thầy khen: “Khá lắm, em có giọng đọc thơ khá truyền cảm!”. Từ buổi ra mắt vui vẻ và ấn tượng đó, thầy trở nên gần gũi với chúng tôi qua những buổi lên lớp sôi nổi và hấp dẫn. Tình yêu văn chương từ thầy truyền qua chúng tôi ngày càng lớn. Chúng tôi im phăng phắc nghe thầy giảng say sưa về ca dao-những hòn ngọc lung linh trong kho tàng văn học dân gian-về Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du trong nỗi thổn thức Đau đớn thay phận đàn bà, về cái thanh cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương… Thầy đọc và bình thêm cho chúng tôi nghe về Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật, Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa… Tôi nhớ, nhớ lắm cái động tác gõ gõ tay lên trán của thầy khi chợt quên một điều gì đó.

Nhưng có lẽ kỷ niệm làm cho tôi nhớ lâu nhất là một con điểm 5 thầy chấm cho tôi. Lần ấy, thầy ra một đề văn: Em hãy viết về quê hương em (với thể loại văn học mà em thích). Bài viết tại lớp, 4 giờ đồng hồ. Đọc xong đề, tôi tủm tỉm cười. Thầy điểm đúng huyệt của mình rồi đây! Tôi quyết định làm thơ. À, mình sẽ viết theo kiểu Ba mươi năm đời ta có Đảng của Tố Hữu. Thế là, từ cái tên bài: Quảng Bình quê ta, mấy chục câu thơ song thất lục bát lấp kín 4 mặt giấy. Dưới 2 câu cuối cùng: Quảng Bình anh dũng tuyệt vời/ Sáng trong trang sử đời đời Việt Nam! tôi nắn nót ghi tên mình. Nhẹ nhõm lâng lâng như anh nông dân vừa cày xong thửa ruộng, tôi đem bài lên nộp cho thầy. Mấy ngày sau đó là sự chờ đợi tràn trề hy vọng. Một điểm 10 chấp chới trước mắt tôi. Rồi, ngày trả bài cũng tới. Người hồi hộp nhất trong lớp chắc là tôi. Trống ngực dội thình thình, thình thình. Thầy nhìn chúng tôi nói khái quát về chất lượng bài làm. “Bây giờ thầy sẽ đọc cho lớp ta nghe một bài văn điểm 9, bài tốt nhất trong đợt này!”. Những đôi mắt hướng về tôi, lấp lánh niềm khâm phục. “Lại của thằng Quý rồi chứ ai vô đó nữa”. Nổi lên mấy tiếng xì xầm. Thầy đọc một bài văn xuôi. Tôi tái mặt. Không phải của tôi. Trần Quang Vinh là tác giả của bài viết điểm 9 đó. Cả lớp ồ lên ngỡ ngàng. Thời gian còn lại, thầy nói về bài thơ của tôi. Thầy bảo: Thơ không phải là như thế các em ạ. Thơ phải có tứ, có hình ảnh và chi tiết mang dấu ấn của người viết. Thơ không cần phải nói rõ ra tất cả, nói hết với sự ồn ào rỗng ruễnh như thế. Thơ là nói về một giọt nước ta có thể thấy được biển cả, trong chiếc lá vàng rơi có cả mùa thu đang về, một nụ hoa chứa đựng cả sắc xuân bao la của trời đất…

Thầy nhìn tôi: “Không sao đâu, sự ngộ nhận như thế này không phải là cá biệt. Thầy cũng vậy thôi, yêu thơ lắm nhưng đã viết được câu thơ nào nên hồn đâu. Em đừng nản nhé, nếu thực sự yêu thơ ca thì em hãy cố gắng đọc, tìm hiểu nhiều, thật nhiều về thơ. Làm thơ là việc vô cùng khó các em ạ”.

Thầy cho bài thơ của tôi điểm 5. Điểm 5 duy nhất về môn văn trong mấy năm học cấp 3 của tôi. Từ điểm 5 ấy, tôi lờ mờ hình dung ra sự khó nhọc gay go của con đường sáng tác văn học mà tôi theo đuổi...

Vừa rồi về quê, tôi đến thăm thầy. Nhắc lại kỷ niệm xưa, hai thầy trò cười vui vẻ. Thầy ôm chặt tôi: “Thầy vẫn đọc thơ của em. Mừng là em đã thực hiện được ước mơ của mình”. Hôm chia tay, thầy cùng nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tiễn tôi ra ga Đồng Hới. Thầy đưa cho tôi một gói ngô bung và cặp bánh chưng. “Quà quê đó em, sạch và lành lắm, mang lên tàu, lúc mô đói thì ăn nhé”. Giọng thầy rưng rưng. Tôi cũng nghẹn ngào ôm chặt thầy, không nói được câu gì…

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/75/75/75/167041/Default.aspx