'Quái kiệt' guitar Nguyễn Thế Vinh ra mắt tự truyện

Sự kiện gây quỹ giúp đỡ Trường mồ côi và khuyết tật Hướng Dương được mở đầu với phần ra mắt tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” của nghệ sĩ guitar Nguyễn Thế Vinh.

Chương trình do Hội Hữu nghị Việt - Nhật và Hội đồng Phát triển Hòa bình Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đồng tổ chức; có sự tham dự của Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và phu nhân, các nghệ sĩ Nhật và Việt Nam.

Ngoài thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, chương trình còn hướng đến mục tiêu gây quỹ giúp đỡ Trường mồ côi và khuyết tật Hướng Dương, do nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh thành lập và làm hiệu trưởng.

Cũng tại đêm nhạc này, “quái kiệt” guitar Nguyễn Thế Vinh đã giới thiệu tới đông đảo khán giả có mặt tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái do Saigon Books và NXB Văn học ấn hành. Tự truyện được nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chấp bút.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh cùng người phiên dịch, cũng chính là cậu học trò Lê Thành Xuyên - 1 trong 31 học trò của trường Hướng Dương đang theo học tại Nhật Bản.

Xuyên suốt 352 trang sách là câu chuyện về cuộc đời của “ông giáo làng” Nguyễn Thế Vinh từ lúc thơ ấu cho đến khi trở thành thầy giáo của ngôi trường Hướng Dương. Vào năm 9 tuổi, trong một lần đi chăn bò, Nguyễn Thế Vinh không may bị ngã trên lưng bò xuống đất, khiến một đoạn xương trong cánh tay phải bị gãy. Ông thầy thuốc Nam đã bó tay anh quá chặt đến mức cánh tay bị hoại tử hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ.

Dù chỉ còn một cánh tay nhưng Nguyễn Thế Vinh chưa bao giờ thất vọng hay bi quan, thậm chí đọc tự truyện của anh, bạn đọc cũng chỉ bắt gặp một nỗi buồn thoáng qua; còn lại sau đó là tinh thần lạc quan. Anh bước vào đời với cánh tay trái - không phải tay thuận cùng tinh thần lạc quan như thế.

Tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái mang đến cho bạn đọc nhiều câu chuyện thú vị, những tâm tư sâu kín của Nguyễn Thế Vinh đằng sau hình ảnh thầy giáo của trường Hướng Dương trên hàng trăm bài báo hay trên các sân khấu trong và ngoài nước với hình ảnh vừa chơi đàn guitar vừa thổi kèn harmonica.

Cuốn tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái của Nguyễn Thế Vinh.

Dường như Nguyễn Thế Vinh xuất hiện trong cuộc đời này là để cống hiến, để nâng đỡ cho những số phận, hoàn cảnh kém may mắn. Như việc anh ngược xuôi cho việc thành lập trường Hướng Dương, là tạo ra một nơi ăn chốn ở, xây nên một con đường dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ mồ côi và khuyết tật.

Như việc anh nỗ lực học đàn guitar dù chỉ còn một cánh tay, rồi nỗ lực vừa đàn guitar vừa thổi kèn harmonica cũng chính là để những giai điệu âm nhạc ngân vang trong tâm hồn của mọi người.

Không chỉ giúp các em nhỏ mồ côi và khuyết tất có một nơi ăn chốn ở, với những em đủ điều kiện sẽ được “ông giáo làng” Nguyễn Thế Vinh gửi sang Nhật Bản để học lên cao. Hiện tại, từ ngôi trường Hướng Dương đã có 31 em đang sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Chia sẻ trước đêm nhạc, Nguyễn Thế Vinh cho biết anh không định viết tự truyện lúc 47 tuổi nhưng vì không biết cuộc đời phía trước sẽ như thế nào. Chính vì vậy, anh đồng ý viết tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái với hy vọng cuốn sách sẽ có ý nghĩa nào đó với mọi người.

“Tôi không hy vọng mình sẽ là tấm gương cho mọi người noi theo vì tôi cũng có những chuyện tốt, chuyện xấu, cũng có những sai lầm, những hoang mang. Tôi chỉ muốn chia sẻ những câu chuyện của mình để bạn đọc có thêm một bài học cho mình”, Nguyễn Thế Vinh tâm sự.

Dù không phải là buổi ra mắt sách chính thức, nhưng từ Cà Mau xa xôi, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cũng có mặt để chia vui cùng “ông giáo làng” Nguyễn Thế Vinh. Khi được hỏi về khó khăn khi chấp bút cho tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, khó khăn lớn nhất không phải là quãng đường hơn 400km từ Cà Mau lên Bình Dường để gặp nhân vật, mà khó khăn lớn nhất chính là lời từ chối của “ông giáo làng” ngay trong lần gặp mặt đầu tiên: “Một người yểu điệu vậy làm sao viết được tự truyện cho Nguyễn Thế Vinh!”.

“Tôi vẫn nhớ, lúc đó anh Vinh bảo: “Khoan hãy viết, em hãy ăn ở đây, vui ở đây rồi viết về anh sau. Đây là câu chuyện của cảm xúc thì hãy để cảm xúc lên tiếng”, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà kể thêm.

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, cuối cùng chị cũng đã vượt qua được thử thách của “ông thầy giáo khó tính”. Không những thế, quá trình làm việc với Nguyễn Thế Vinh cũng mang lại cho chị nhiều ý nghĩa. Nữ nhà văn đến từ đất Mũi bộc bạch: “Sau khi cuốn tự truyện kết thúc, tôi nhận ra mình không phải là một nhà văn viết tự truyện cho nhân vật nữa mà chính là cô trò nhỏ của ông giáo làng”.

Trước mắt với mỗi cuốn sách bán ra, thầy giáo Nguyễn Thế Vinh và Saigon Books cùng thống nhất sẽ trích 25.000 đồng để xây dựng thư viện, phòng đọc sách cho trường Hướng Dương.

Sơn Hồ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quai-kiet-guitar-nguyen-the-vinh-ra-mat-tu-truyen-post740248.html