“Quái thú” trước lăng Ngô Quyền là thần hay quỷ?

(PL&XH) - Theo tìm hiểu của PV báo PL&XH, việc thi công tu bổ tôn tạo di tích lịch sử đền và lăng Ngô Quyền, có những chi tiết sai khác so với ban đầu và không phù hợp với tinh thần văn hóa lịch sử.

Người dân kiến nghị tạm dừng thi công vì thấy... không ổn

Trong đó, điều khiến người dân Đường Lâm bức xúc và không đồng tình nhất là việc xây mới một bức bình phong ngay lối vào lăng. Người dân nơi đây, đặc biệt là con cháu dòng họ Ngô phản đối vì cho rằng, bức bình phong mới xây bằng xi măng rất xấu và không cần thiết, bởi lẽ lăng Ngô Quyền đã có dãy bình phong tự nhiên chính là dãy đồi án ngữ trước lăng.

Ngoài bức bình phong gây tranh cãi, còn một công trình nữa được xây mới là nhà cho thủ từ (người trông coi lăng), lại cao hơn hậu cung. Việc xây dựng cống rãnh thoát nước ngay sau lăng, theo ý kiến của đại diện dòng họ Ngô, cũng là một điều tối kỵ. Trước những vấn đề được cho là “không ổn” như vậy, người dân Đường Lâm, nói chung và đặc biệt là con cháu dòng họ Ngô đã kiên quyết đề nghị tạm dừng thi công. Đồng thời kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét lại cách thức tiến hành tu bổ, tôn tạo công trình của BQL di tích làng cổ xã Đường Lâm.

Được biết, công trình tu bổ đền thờ và lăng Ngô Quyền có tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vốn công đức từ dòng họ Ngô là 10 tỷ đồng, phần còn lại thuộc vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa.

Dự án do Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng – trường ĐH Kiến trúc Hà Nội lập báo cáo kỹ thuật và Viện Khoa học công nghệ xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công. Thời gian tu bổ, tôn tạo kéo dài trong 3 năm, đến thời điểm hiện tại việc triển khai dự án đã bước sang tháng thứ 6.

Ông Ngô Vui – Chủ tịch Hội đồng Gia tộc họ Ngô cũng cho biết, con cháu dòng họ Ngô đã bỏ 10 tỷ đồng, để tu bổ tôn tạo di tích này. Nhưng khi làm, họ đã không được tham gia. “Chúng tôi đành phải thuê riêng người giám sát nhưng cũng chỉ có thể ghi hình chụp ảnh lưu lại thôi. Dòng họ Ngô đã và đang xin phép được tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về vua Ngô Quyền để xin ý kiến các nhà khoa học về việc trùng tu, tôn tạo ngôi đền và lăng Ngô Quyền nhằm bảo vệ tối đa di sản văn hóa tâm linh này” – ông Ngô Vui cho biết.

Qua tìm hiểu PV được biết, ý tưởng xây dựng bình phong tại lăng Ngô Quyền được xuất phát từ ý kiến tư vấn của của GS. Trần Lâm Biền. Bức bình phong này được xây mới hoàn toàn bằng xi măng chắn hết tầm nhìn của lăng. Đặc biệt hình ảnh trên bức bình phong thể hiện một “quái thú” hổ không ra hổ, báo không ra báo, với vẻ mặt nanh ác và dữ tợn. Do đó đã khiến người dân Đường Lâm không đồng thuận.

Bức bình phong bằng xi măng mới xây dựng, trang trí hình “quái thú”, chắn trước lăng khiến người dân bức xúc

Ai là “tác giả” bức bình phong “quái thú”?

Để có thông tin khách quan về vụ việc, PV báo PL&XH đã có cuộc trao đổi với GS. Trần Lâm Biền, người được cho là “tác giả” của bức bình phong nói trên. Song GS rất ngạc nhiên, bức xúc về sự việc đang diễn ra tại xã Đường Lâm.

Theo GS. Trần Lâm Biền, trong những ngôi đền và lăng mộ, bình phong giúp chống quỷ dữ tác động đến chỗ ngồi của đền thờ. Vừa đề cao kính trọng, lại vừa bảo vệ cho vị thần.

“Tuy nhiên, sau đó thì việc xây ở đâu, xây như thế nào chẳng ai hỏi gì tôi cũng như xin ý kiến các nhà chuyên môn. Từ khi góp ý kiến đến nay, tôi chưa có dịp quay lại. Đến nay tôi mới biết họ đã xây bức bình phong. Tôi thấy rằng bức bình phong đó họ đã xây không đúng bố cục. Cần phải xét xem vị được thờ ở trong lăng như thế nào, mới có thể đặt bức bình phong ở trong hoặc ngoài cửa ra vào. Họ đã không nắm được ý nghĩa và tầm quan trọng của đức Ngô Quyền, nên đã làm ra một bức bình phong rất tùy tiện, xấu và không có giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tâm linh” – GS. Trần Lâm Biền khẳng định.

GS. Trần Lâm Biền: “Mỗi một đường nét chi tiết đưa vào trong quần thể di tích đều phải đúng nơi, đúng chỗ để đảm bảo ý nghĩa.
Hình tượng và cách thể hiện ra sao cũng phải theo quy luật và tiêu chuẩn mới có giá trị. Chứ không phải cứ trang trí bừa thành ra một “quái thú” với dáng vẻ “báo lai chó sói” như vậy”.

“Nếu như họ nghe theo ý kiến tôi và tôn trọng đức Ngô Quyền, thì cần hỏi ý kiến chuyên gia để có thể xây phù hợp. Những người có chuyên môn sẽ về tận nơi, tiến hành điều tra hồi cố, tham khảo ý kiến trong nhân dân để xem ý thức xây lăng ấy nhằm mục đích gì. Việc này thứ nhất sẽ xác định vị trí phù hợp của bình phong. Giả dụ như đức Ngô Quyền không chỉ được người dân tôn kính vì có công đánh ngoại xâm, nếu như ngài lại có công giúp dân chống lụt lội thủy quái nữa, thì bức bình phong thường đặt ngoài cửa. Cũng cần phải chọn mẫu cho đẹp và phù hợp, chứ ai lại làm mẫu xấu như thế?” – GS. Trần Lâm Biền thắc mắc.

Cũng theo phân tích của GS. Trần Lâm Biền, con hổ thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà sát quỷ. Nên hình tượng hổ ở mặt trước bức bình phong là cần thiết. “Thế nhưng, hình tượng và cách thể hiện ra sao cũng phải theo quy luật và tiêu chuẩn mới có giá trị. Chứ không phải cứ trang trí bừa thành ra một “quái thú” với dáng vẻ “báo lai chó sói” như vậy. Nếu là “báo lai chó sói” thì là quỷ chứ không phải là thần linh mà có thể đặt vào tấm bình phong ở lăng đức Ngô Quyền – điều này sẽ mang ý nghĩa ngược” – GS. Trần Lâm Biền khẳng định.

Lăng Ngô Quyền trước và sau khi tu bổ. Ảnh: Sỹ Hào

Về ý kiến băn khoăn việc bổ sung hạng mục mới trong việc tôn tạo di tích lăng Ngô Quyền như hiện tại đã vi phạm Luật Di sản. GS. Trần Lâm Biền cho rằng, ý thức tôn tạo di tích là không sai. Rất nhiều di tích khác cũng vậy, ví dụ như cả chùa Phật Tích cũng là làm mới. Việc làm lại hay thay đổi di tích thì thời nào cũng làm. Việc tôn tạo di tích không phải là rập khuôn cái đã có. Bởi vì nếu “rập khuôn” thì không cần đến kiến trúc sư, cũng không cần ý kiến của những người có trách nhiệm bảo tồn di sản, hay những nhà nghiên cứu, mà chỉ cần một tổ thợ là ổn.

GS. Trần Lâm Biền cũng cho rằng hiện tại chúng ta chưa có một di tích lịch sử nào được trùng tu, theo đúng với ý nghĩa khôi phục nguyên trạng. Mà phần lớn chỉ là tôn tạo bảo tồn di tích, việc này phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống, dưới góc độ khoa học để làm sao chấp nhận được. Mỗi một đường nét chi tiết đưa vào trong quần thể di tích đều phải đảm bảo ý nghĩa, chứ không thể làm tùy tiện. Vì thế có thể hiểu việc bổ sung thêm thắt các hạng mục, là việc làm thường thấy ở đời sau đối với các di tích đời trước. Tuy nhiên, sẽ rất đáng tiếc và đáng trách nếu như sự việc được tiến hành một cách tùy tiện, ví dụ như việc làm tấm bình phong hiện nay ở lăng Ngô Quyền là điều không thể chấp nhận được.

Theo sử sách, Ngô Quyền là vị vua đã có công, mở đầu thời đại mới, độc lập tự chủ cho lịch sử dân tộc. Ông đã lãnh đạo quân dân đất Việt, đánh tan quân Nam Hán, giành chiến thắng trong trận Bạch Đằng năm 938. Quân Nam Hán rơi vào bẫy cọc ở sông Bạch Đằng, bị đánh tan. Trong trận chiến oanh liệt này, hoàng tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo bị giết. Chiến thắng Bạch Đằng đã chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Hiện tại trên sông Bạch Đằng, vẫn còn lưu lại dấu vết của bãi cọc gỗ vùi thây quân xâm lược. Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 27 (1874) trên một đồi đất cao thuộc làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Sỹ Hào

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140305094616515p1001c1049/quai-thu-truoc-lang-ngo-quyen-la-than-hay-quy.htm