'Quái vật dưới lòng đất' làm gì để đào hầm ngầm tuyến Metro Sài Gòn - Suối Tiên?

Sau khi đào từng đoạn ngắn, vỏ hầm được thi công ngay. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm được lắp ghép đến đó để tránh sạt lở lớp đất, đá phía trên.

Metro đoạn phía trước Nhà hát Thành phố - Ảnh: Huyền Trâm.

Sáng 24/5, tại buổi họp về tiến độ thi công metro của TP.HCM, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 cho biết, ngày 26/5 tới robot khoan ngầm theo phương pháp đào khiên (TBM) bắt đầu đào đường hầm dài 781m, kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Nhà hát Thành phố và Ba Son.

Đây là hạng mục thuộc gói thầu 1b của tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) do liên danh nhà thầu Shimizu – Meada (Nhật) đảm nhiệm. Công ty Fecon đã được liên danh nhà thầu này lựa chọn để tham gia vận hành trực tiếp thiết bị khoan TBM.

Robot TBM được sản xuất tại Nhật, dài 70 m, nặng 300 tấn, có khả năng đào đất an toàn và tạo ra vách tường của hầm dưới độ sâu 17 m. TBM thực chất là máy khoan nằm ngang, gồm một ống thép dài nhiều kích cỡ, có đường kính bằng đường kính hầm, đủ để chứa thiết bị máy móc hay công nhân vận hành. Đầu ống là khiên đào có gắn các mũi cắt, động cơ làm quay tròn để cắt đất. Trị giá robot này khoảng 4 triệu USD, được chuyển về Việt Nam hồi đầu năm nay.

Trả lời báo chí về việc các công trình xây dựng, kiến trúc nằm phía trên đoạn metro số 1 đi ngầm được bảo đảm an toàn ra sao, ông Dương Hữu Hòa cho biết, đoạn đi ngầm nêu trên sẽ là hai đường hầm đi ngầm song song từ ga Ba Son đi phía dưới của đường Nguyễn Siêu.

Khi đến gần giao lộ với đường Thái Văn Lung thì hai đường hầm này chuyển sang đi theo dạng đường hầm phía trên, đường hầm phía dưới theo dạng “vặn vỏ đổ”. Cả hai đi ngang Nhà hát Thành phố, phía dưới đường công trường Lam Sơn ra giáp đến đường Đồng Khởi, vị trí tiếp giáp với Ga Nhà hát Thành phố.

Vị này cho biết sở dĩ hai đường hầm phải đi vặn vẹo như vậy nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, kiến trúc ở bên trên, trong đó có công trình Nhà hát Thành phố hơn 100 năm tuổi khỏi bị ảnh hưởng, tác động...

Robot TBM được mệnh danh là quái vật xuyên lòng đất - Ảnh: Fecon.

Cũng theo ông Hòa, đến nay các thiết bị quan trắc hiện tượng lún sụt, chuyển vị của các công trình xây dựng, kiến trúc, nhà dân dọc theo đoạn metro đào ngầm đã được lắp đặt. Bất cứ sự cố nào cũng được theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời và nếu trong trường hợp có thiệt hại thì sẽ được đánh giá chính xác, đền bù kịp thời.

Về cách thức hoạt động của “quái vật” xuyên lòng đất này thì sau khi đào từng đoạn ngắn, vỏ hầm được thi công ngay. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm được lắp ghép đến đó để tránh sạt lở lớp đất, đá phía trên.

Ban Quản lý dự án tuyến metro số 1 cho biết, so với các phương pháp đào hầm thông thường, phương pháp khoan TBM được cho là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng giao thông, ít chiếm dụng diện tích hay ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh. Do có thể thu gom và vận chuyển đất sau khi đào, phương pháp này ít gây bụi, rung chấn và tiếng ồn so với các phương pháp đào hầm kín khác.

Dự án tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công tháng 8/2012, có chiều dài 20km trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga), đi qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Dự án có tổng vốn 2,49 tỷ USD, dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/du-an/quai-vat-duoi-long-dat-lam-gi-de-dao-ham-ngam-tuyen-metro-sai-gon-suoi-tien-2799993.html