Quản chứ không nên 'bóp chết'

Nhà chức trách có cần phải quản lý hoạt động mua bán trên các mạng xã hội? Câu trả lời là cần và với lưu ý là phải quản lý đặc biệt phù hợp với đặc thù của mạng xã hội.

Quản lý ở đây không có nghĩa là gây khó khăn hay bóp chết hoạt động này (thực tế thì không thể đâu) mà với mục đích chính là đưa hoạt động kinh doanh này vào nền nếp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc quản lý nhà nước đối với loại hình mua bán trên mạng xã hội tập trung vào hai nhiệm vụ: chống lừa đảo, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; và phòng, chống kinh doanh phi pháp, bán hàng cấm và trốn thuế.

Bản chất của mạng xã hội chỉ là nơi để chào mời, rao vặt cho các hàng hóa và dịch vụ.

Thiết nghĩ cũng chẳng phải mất công đưa ra những quy định gì mới đâu, mọi thứ đều đã có trong các luật định hiện hành rồi, mọi người cứ chiếu theo đó mà thi hành. Có chăng là nhà chức trách hướng dẫn cho người bán hàng trên mạng xã hội biết thủ tục đăng ký khi họ có ý định kinh doanh thật sự và cho người tiêu dùng biết cách để khiếu kiện khi bị lừa đảo. Có người đề nghị nên coi những người bán hàng trên mạng xã hội như những hộ kinh doanh cá thể. Tất nhiên, nó chỉ có thể áp dụng với những người bán hàng đơn lẻ chứ không phù hợp với những DN bán hàng quy mô lớn trên mạng xã hội. Với những DN này, có thể coi hoạt động bán hàng trên mạng như một hình thức kinh doanh, một kênh bán hàng riêng. Còn thì cứ để những ai “mua bán vãng lai”, bán hàng rong trên mạng thoải mái chào hàng, mua hàng trên mạng xã hội. Cái gì liệu bề cấm không được (chủ yếu do quy luật thực tế cuộc sống) mà cứ cố sống cố chết quản lý thì thật là lợi bất cập hại.

Việc quản lý thu thuế bán hàng trên mạng xã hội cũng là điều tất nhiên và nước nào cũng phải làm. Bởi lẽ hễ có hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận đến ngưỡng phải chịu làm nghĩa vụ thuế theo luật định thì ai cũng phải đóng thuế. Bán hàng trên mạng xã hội là một hình thức kinh doanh chứ không phải là một chiêu để lách thuế, trốn thuế.

Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm thông tin để tham khảo cách các nước quản lý việc bán hàng trên mạng xã hội ra sao nhưng không tìm được biện pháp nào cụ thể. Có lẽ người ta thấy không cần thiết phải làm chuyện này. Lý do, bản chất của mạng xã hội chỉ là nơi để chào mời, rao vặt cho các hàng hóa và dịch vụ. Các giao dịch mua bán đều diễn ra bên ngoài mạng và chúng là đối tượng chịu sự chi phối của các luật định giống như bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác.

Chúng tôi từng nhấn mạnh rằng các hoạt động mua bán trên mạng đem lại những lợi ích vô cùng lớn cho cả người mua, kẻ bán lẫn các dịch vụ hỗ trợ, ăn theo. Nếu mở rộng ra, loại hình này còn có lợi cho quốc kế dân sinh, không làm tăng mặt bằng xây dựng, giúp giảm thời gian và giảm mật độ giao thông.

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/quan-chu-khong-nen-bop-chet-685117.html