Quan điểm của V.I.Lenin về cống hiến vĩ đại của Karl Marx

Là người bảo vệ, kế thừa, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx trong điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới đánh dấu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, V.I.Lenin đã khái quát những cống hiến vĩ đại của Karl Marx đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Karl Marx là người sáng tạo ra Chủ nghĩa Marx

V.I.Lenin khẳng định cống hiến vĩ đại này là công lao to lớn của Karl Marx và Friedrich Engels, nhất là của Karl Marx. Mặc dù là người đồng sáng tạo ra học thuyết - Chủ nghĩa Marx nhưng thành quả vĩ đại này lại chỉ mang tên Karl Marx là sự khẳng định cống hiến lớn lao của Karl Marx; chính Friedrich Engels đã thừa nhận điều này và rất khiêm nhường coi mình là “cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh Marx”.

Hai phát kiến vĩ đại của Karl Marx là chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và phát hiện phạm trù sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là “linh hồn”, hòn đá tảng của Chủ nghĩa Marx. Nhận xét cống hiến về mặt triết học, V.I.Lenin khẳng định “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học” (1). Vận dụng lý luận chủ nghĩa duy vật lịch sử vào “giải phẫu” chủ nghĩa tư bản, Karl Marx và Friedrich Engels đã có phát kiến vĩ đại: Học thuyết giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản. Karl Marx đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế - chính trị học, chỉ ra quy luật vận động kinh tế của chủ nghĩa tư bản, vạch trần “bí mật” của chế độ tư bản là bóc lột giá trị thặng dư do sức lao động của những người lao động làm thuê tạo ra. Bóc lột giá trị thặng dư là bản chất, mục tiêu cơ sở tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Đó là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn đối kháng và giai cấp tư sản không thể điều hòa giữa giai cấp vô sản, không thể giải quyết được trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Chân dung Karl Marx và Lenin. Ảnh: Internet

Từ hai phát kiến vĩ đại đó, Karl Marx đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, nhất là tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Từ đó, Karl Marx đã tìm ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản để tự giải phóng mình, giải phóng toàn nhân loại và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, V.I.Lenin nhấn mạnh “Điểm chủ yếu trong học thuyết Marx là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa” (2).

V.I. Lenin khẳng định cống hiến nổi bật của Karl Marx trong việc thành lập tổ chức có tính chất quốc tế của giai cấp công nhân.

Với tài năng tổ chức xuất chúng của mình, trên cơ sở quan niệm đúng đắn về vai trò hoạt động thực tiễn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, Karl Marx và Friedrich Engels đã tích cực tham gia phong trào công nhân như: Thành lập Hội Công nhân Đức ở Brúc-xen; liên hệ với nhóm cách mạng trong phong trào Hiến chương ở Anh; cao trào cách mạng 1848-1849 ở Pháp và Đức v.v... Mong muốn của Karl Marx và Friedrich Engels là thành lập đảng của giai cấp vô sản. Hai ông cho rằng, nếu giai cấp vô sản không thành lập được chính đảng của mình thì không thể hành động độc lập và tự giải phóng được mình.

Hoạt động nỗ lực của Karl Marx và Friedrich Engels đã đưa đến việc cải tổ “Đồng minh những người chính nghĩa” thành “Đồng minh những người cộng sản” vào năm 1847. Khi thấy mọi điều kiện đã chín muồi, năm 1847, Karl Marx và Friedrich Engels nhận lời tham gia “Đồng minh những người chính nghĩa”. Việc cải tổ Đồng minh được thực hiện tại Đại hội lần thứ nhất vào tháng 6 năm 1847. Đại hội quyết định đổi tên là “Đồng minh những người cộng sản”; xây dựng một cơ quan báo chí; khai trừ những người theo Vâytơlinh ra khỏi đồng minh và thay châm ngôn “Tất cả mọi người đều là anh em” bằng khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại”; quy định nguyên tắc làm việc và tổ chức trên tinh thần tập trung dân chủ. Đồng minh những người cộng sản là một tổ chức công nhân quốc tế đầu tiên lấy Chủ nghĩa Marx làm ngọn cờ tư tưởng, đã mở ra quá trình kết hợp Chủ nghĩa Marx với phong trào công nhân.

Đại hội II của Đồng minh họp ở Luân Đôn vào cuối tháng 11 năm 1847. Đại hội thông qua điều lệ mới với những nội dung quan trọng như: mục đích hoạt động của Đồng minh là lật đổ giai cấp tư sản, xóa bỏ xã hội tư bản, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản, xây dựng xã hội mới không có tư hữu về tư liệu sản xuất, không có giai cấp; quy định nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ v.v... Đại hội giao cho Karl Marx và Friedrich Engels nhiệm vụ quan trọng là soạn thảo bản Tuyên ngôn thành lập Đồng minh những người cộng sản. Đó chính là tác phẩm “Tuyên ngôn của đảng cộng sản” mà hai ông hoàn thành vào tháng 2 năm 1848.

“Tuyên ngôn của đảng cộng sản” là tác phẩm lý luận đánh dấu sự chín muồi ra đời Chủ nghĩa Marx, đồng thời cũng là bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản. Nó chỉ ra những nhiệm vụ chiến lược cơ bản của giai cấp công nhân. Tuyên ngôn khẳng định sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân và nó chỉ có thể thực hiện được với điều kiện: Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại và đồng thời giải phóng cho toàn nhân loại. Tuyên ngôn chỉ ra rằng, trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp vô sản phải lập ra chính đảng độc lập của mình và sử dụng con đường cách mạng bạo lực. Giai cấp vô sản trước hết phải tiêu diệt giai cấp tư sản nước mình. Ở những nước chưa làm cách mạng dân chủ tư sản, những người cộng sản có trách nhiệm ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống chế độ đương thời, và tìm mọi cách liên minh với các lực lượng dân chủ tiến bộ. Trong quá trình liên minh, những người cộng sản phải giữ vững tính độc lập của mình. Cuối cùng bản Tuyên ngôn kêu gọi “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại”. Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử, thời đại của “Tuyên ngôn của đảng cộng sản” được V.I.Lenin nhận xét: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách: tinh thần của nó, đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh” (3). Với những nội dung khoa học và cách mạng ấy, giai cấp vô sản toàn thế giới đã nghiên cứu Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Cùng với Friedrich Engels, Karl Marx có công lao to lớn trong việc thành lập Quốc tế I (Internationale Arbeiter Association) - Hội liên hiệp lao động quốc tế (Quốc tế I) - Là tổ chức quần chúng có tính chất quốc tế đầu tiên của giai cấp vô sản, được tổ chức vào năm 1864 tại hội nghị công nhân quốc tế ở Luân Đôn, do các công nhân Anh và Pháp triệu tập. Việc thành lập Quốc tế I là kết quả của cuộc đấu tranh ngoan cường nhiều năm của Karl Marx và Friedrich Engels nhằm thành lập đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Karl Marx là người tổ chức và người lãnh đạo Quốc tế I, là tác giả thảo ra bản “Tuyên ngôn thành lập” của Quốc tế này, bản điều lệ và những tài liệu khác có tính chất cương lĩnh và sách lược. Như V.I.Lenin vạch rõ: “Quốc tế I đã đặt nền tảng cho cuộc đấu tranh vô sản, có tính chất quốc tế, để thực hiện chủ nghĩa xã hội” (4).

Nghiên cứu quan điểm của V.I.Lenin về cống hiến vĩ đại của Karl Marx nhân Kỷ niệm 206 năm Ngày sinh nhật Karl Marx (5-5-1818/5-5-2024) - Nhà bác học thiên tài, nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân toàn thế giới là dịp giai cấp công nhân, nhân dân lao động và lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới tôn vinh, khắc cốt, ghi tâm và tri ân những cống hiến to lớn, nổi bật của Karl Marx; đồng thời, tiếp tục kiên trì con đường cách mạng mà Karl Marx đã tiên phong chỉ lối.

Tiến sĩ HÀ SƠN THÁI

Chú thích:

(1) (2) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.54; tr.1.

(3) Sđd, tập 2, tr.10.

(4) Sđd, tập 38, tr.363.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quan-diem-cua-v-i-lenin-ve-cong-hien-vi-dai-cua-karl-marx-775644