Quan điểm sai lầm: Palmyra là nơi dụ IS vào chảo lửa

Hiện nay, có một số quan điểm vô cùng sai lầm về cuộc chiến Syria, cả về chính trị lẫn quân sự, nổi bật trong đó là về chiến trường Palmyra.

Đã một tháng kể từ khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bất ngờ đánh chiếm lại được thành phố cổ Palmyra, cuộc chiến ở sân bay T4 vẫn đang diễn ra hết sức khốc liệt, thành cổ vẫn đang nằm trong tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, chưa biết đến khi nào giành lại được.

Trong khi quân đội Syria đang phải điều động lực lượng lớn từ các mặt trận khác về cứu viện mà vẫn chưa đánh bật được IS khỏi mặt trận phía đông tỉnh Homs, vẫn có quan điểm cho là hiện Nga và quân đội Syria đang nhử IS vào “cái rọ” Palmyra để tiêu diệt sạch chủ lực của tổ chức khủng bố này.

Điều này chúng ta có thể tìm hiểu một phần trong bài viết có tiêu đề “ Nga vờ thua ở Palmyra: Kịch bản thả gà ra đồng…nhử cáo ”.

Trong bài viết này chỉ nhấn mạnh về vấn đề thế nào là “cái rọ” hay còn được gọi bằng một số cái tên khác như “nồi hầm”, “chảo lửa” hay thậm chí là đã có sự so sánh trận “bao vây, tiêu diệt lớn IS ở Palmyra” tới đây của Quân đội Syria có tính chất tương tự như trận Điện Biên Phủ của Việt Nam.

Đây là điều hoàn toàn sai lầm, bởi một trận đánh bao vây mang tính chất quyết định phải hội tụ được đầy đủ những yếu tố sau đây: Thứ nhất là chủ động bao vây, tiêu diệt lớn một cụm quân địch; Thứ hai là phải làm chủ hoàn toàn cục diện trận đánh và trên tổng thể chiến trường; Thứ ba là trận đánh phải mang tính quyết định, xoay chuyển cục diện chiến trường hoặc đánh quỵ hoàn toàn quân địch; Vậy nhưng ở đây, Nga và Syria không có được bất cứ yếu tố nào!

Thứ nhất: Quyền chủ động không nằm ở Nga và Syria

Về bản chất, chiến dịch quân sự của quân đội Nga và Syria là chiến dịch tái chiếm sau khi bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS bất ngờ giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra và khu vực phụ cận.

Có thể khẳng định là tư tưởng chỉ đạo của trận đánh này hoàn toàn không nằm trong kế hoạch quân sự ban đầu của các tướng lĩnh Syria. Để thực hiện nó, Quân đội Syria phải điều chỉnh kế hoạch, từ bỏ một số mục tiêu khác để rút bớt quân lực về Palmyra.

Quân đội Syria hoàn toàn không làm chủ được chiến trường Syria

Như vậy, nó hoàn toàn không phải là sự chủ động mà ngược lại, đó là sự bị động về tình huống chiến trường. Tính chất của trận đánh là điều đầu tiên cần phải làm rõ, nếu không sẽ không thể xác định đúng được phương hướng tiến hành và các biện pháp giải quyết chiến trường.

Với lực lượng quá mỏng, Quân đội Syria cũng không có khả năng bao vây, tiêu diệt lớn lực lượng IS bởi nếu như vậy thì SAA cũng hao tổn binh lực rất lớn. Do đó, trong các chiến dịch gần đây, họ đều phải bao vây, đánh lấn để buộc phiến quân hạ vũ khí rút về Idlib.

Hơn nữa, IS cũng không thiếu tỉn táo để tập trung binh lực tại Palmyra cho Nga trút bom hủy diệt.

Thực tế chiến trường đã cho thấy, tổ chức khủng bố này đã chủ động tung quân đi đánh chiếm các khu vực xung quanh thành cổ, phân tán binh lực trên nhiều cứ điểm khác để buộc quân đội Syria phải sa vào những trận đánh nhỏ, cài răng lược, không sử dụng được hỏa lực không kích quy mô lớn.

Ví dụ như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dù Pháp có liên tiếp mở các cuộc hành binh phá vây cũng không phá nổi, có thêm quân tăng viện cũng chỉ nhảy dù vào lòng chảo chứ không tập kích được phía sau quân đội Việt Nam. Do đó, Pháp thất bại là đương nhiên.

Điều này Quân đội Syria đã không làm được ở Aleppo, liệu họ có làm được ở lòng chảo Palmyra?

Thứ 2: Quân đội Syria không làm chủ được chiến trường

Việc Palmyra bất ngờ lọt vào tay IS đã khiến quân đội Syria bị động về chiến dịch tái chiếm thành cổ này, đồng thời phải rút bớt lực lượng đặc nhiệm Tiger và Lữ đoàn Diều hâu sa mạc về tăng viện, trong bối cảnh Tây Aleppo và Idlib đang nằm trong tay phiến quân.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/quan-diem-sai-lam-palmyra-la-noi-du-is-vao-chao-lua-3326443/