Quân đoàn 3 chủ động tạo nguồn hậu cần, bảo đảm cơ động làm nhiệm vụ

Những năm gần đây, Cục Hậu cần Quân đoàn 3 đã nỗ lực, làm tốt công tác tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, chỉ đạo triển khai toàn diện công tác hậu cần, chủ động tạo nguồn hậu cần bảo đảm cơ động làm nhiệm vụ của quân đoàn.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo diễn tập TC-23 của Quân đoàn 3, một trong những thành công của cuộc diễn tập là Quân đoàn 3 đã làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, nhất là trong thực hiện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động lực lượng và tổ chức các bệnh viện, kho trạm hậu cần dã chiến… phục vụ các lực lượng diễn tập.

Nhân viên Trạm Sản xuất thịt hộp Cục Hậu cần Quân đoàn 3 tổ chức sản xuất thịt hộp.

"Tham gia cuộc diễn tập TC-23, Cục Hậu cần Quân đoàn 3 đã tổ chức một bệnh viện dã chiến; các kho hậu cần, trạm chế biến dã ngoại; bảo đảm tốt phương tiện và tổ chức vận tải cơ động lực lượng và vận chuyển vật chất hậu cần. Bệnh viện dã chiến được tổ chức trong các hầm âm, bán âm, bao gồm các hầm phẫu thuật, hầm điều trị, hầm thu dung thương binh, bệnh binh. Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được cơ động di chuyển để tổ chức bệnh viện dã chiến, bảo đảm phục vụ cho một quân đoàn chiến đấu. Đặc biệt, trong diễn tập, Cục Hậu cần Quân đoàn 3 đã di chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất thịt hộp và trạm chế biến lương thực, thực phẩm đến vị trí trú quân mới của quân đoàn, góp phần bảo đảm tốt hậu cần cho cơ quan, đơn vị trong diễn tập", Thượng tá Nguyễn Công Ích, Phó trưởng phòng Tham mưu (Cục Hậu cần Quân đoàn 3) cho biết.

Cán bộ hậu cần Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) kiểm tra kế hoạch điều hành tăng gia sản xuất.

Những năm qua, ngành Hậu cần Quân đoàn 3 đã sáng tạo, đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần, nhất là đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác hậu cần trong toàn quân đoàn.

Có thể kể các mô hình như: Tăng gia sản xuất, chăn nuôi tập trung của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320); nuôi lợn nái của Lữ đoàn 273; nuôi gia cầm của Lữ đoàn 40 và Lữ đoàn 234; nuôi gia cầm lấy trứng của Sư đoàn 31; nuôi thả cá của Lữ đoàn 7 và Trường Quân sự Quân đoàn 3…

Các mô hình hiệu quả đã giúp quân đoàn khắc phục tình trạng thiếu rau lúc giáp vụ, bảo đảm chủ động nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ và nguyên liệu cho các trạm chế biến.

Sản phẩm tăng gia sản xuất của Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3).

Tham quan Trạm sản xuất thịt hộp của Cục Hậu cần Quân đoàn 3, chúng tôi được Thiếu tá Bùi Huy Lịnh, Trạm trưởng giới thiệu: Dây chuyền sản xuất thịt hộp của trạm là sản phẩm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự (Học viện Hậu cần) chuyển giao cho Quân đoàn 3 từ tháng 5-2010.

Dây chuyền sản xuất được 3 loại thực phẩm đóng hộp là thịt bằm (thịt xay), thịt nguyên miếng và cá. Cán bộ, nhân viên của trạm sau chuyển giao đã làm chủ được công nghệ và kỹ thuật, tổ chức sản xuất đạt công suất 72.000 hộp/năm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của đơn vị và kế hoạch Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 giao.

Dây chuyền sản xuất thịt hộp có 9 công đoạn, gồm: Sơ chế thực phẩm, trần thực phẩm, pha thái, phối trộn chế phẩm gia vị, vào hộp, thanh trùng (bằng nhiệt), làm nguội, dán tem, bàn giao thành phẩm. Dây chuyền và sản phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn hiện hành của Bộ Y tế.

Trong Diễn tập TC-23, trạm đã cơ động toàn bộ trang thiết bị của dây chuyền sản xuất đến vị trí đóng quân dã ngoại và tổ chức sản xuất, được Thủ trưởng Bộ và các cơ quan Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, Quân đoàn 3 đánh giá cao".

Chiến sĩ Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) tăng gia sản xuất.

Cùng với tự túc chế biến, ngành Hậu cần Quân đoàn 3 còn chủ động tạo nguồn, khai thác hậu cần tại chỗ cho các nhiệm vụ. Trung tá Phạm Việt Đức, Trợ lý quân nhu Cục Hậu cần Quân đoàn 3 cho biết: Cục Hậu cần Quân đoàn 3 đã chỉ đạo ngành Quân nhu nỗ lực, khắc phục khó khăn để tăng gia sản xuất và khai thác nguồn hậu cần tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ bảo đảm hậu cần của Quân đoàn.

Cụ thể là, trong khai thác lương thực, thực phẩm, mỗi quý Hội đồng giá của Quân đoàn tiến hành khảo sát giá lương thực, thực phẩm trên địa bàn, sau đó thống nhất giá để ngành Quân nhu tổ chức thu mua, chế biến.

Từ năm 2010 đến nay, ngành Quân nhu đã tổ chức thu mua thóc, đưa về trạm chế biến tập trung xay xát, cung cấp gạo cho các cơ quan, đơn vị theo giá thống nhất; các sản phẩm phụ đưa vào tổ chức chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Các thực phẩm khác như cá, thịt hộp, nước mắm do trạm chế biến của Quân đoàn 3 sản xuất tập trung, cung cấp cho các đơn vị.

Cục Hậu cần chỉ đạo quân nhu các đơn vị nuôi trồng an toàn, bảo đảm môi trường sạch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, như không dùng chất hóa học, thuốc trừ sâu công nghiệp, mà dùng chế phẩm sinh học chế biến từ rượu, hạt cau, tiêu, ớt để làm thuốc trừ sâu…

Khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, hậu cần các đơn vị ưu tiên nước cho bộ đội sinh hoạt, tưới rau; xử lý nước đã qua sử dụng để tưới cây. Hiện nay, các đơn vị đều phổ biến mô hình xử lý nước đã qua sử dụng bằng 3 công đoạn: Hố thu nước, hố xỉ than và hố chứa bèo tây, sau đó dùng nước đã qua xử lý để tưới cây.

Bên cạnh đó, Cục Hậu cần Quân đoàn 3 đã xây dựng mô hình điểm chuồng trại chăn nuôi ở Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10), trong đó có chú ý xử lý chất thải, xây dựng hầm biogas… Mô hình đạt hiệu quả tốt, là cơ sở để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các đơn vị đủ quân của Quân đoàn 3.

Mô hình xử lý nước sinh hoạt đã qua sử dụng của Trung đoàn 273 (nay là Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3) bắt đầu từ năm 2010. (Ảnh chụp tháng 8-2010).

Những nỗ lực đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần, chủ động tạo nguồn, tự túc lương thực, thực phẩm đã giúp ngành Hậu cần Quân đoàn 3 luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Quân đoàn 3 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong Phong trào thi đua "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" năm 2023.

Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-doan-3-chu-dong-tao-nguon-hau-can-bao-dam-co-dong-lam-nhiem-vu-776386