Quân đội Trung Quốc chưa thể bằng Anh

(Tin Nóng) Với lực lượng quân sự hùng hậu, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể sánh được với quân đội Anh, và Anh vẫn có thể thắng Trung Quốc nếu có một xung đột ở vị trí cách xa hai nước, theo nhận định của chuyên gia Anh.

Quân đội Anh có thể được điều động đến mọi nơi trên thế giới - Ảnh: PA

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 16.1 dẫn lời ông Vasily Kashin, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và công nghệ (Nga) cho rằng, nhận định của giáo sư Malcolm Chalmers (Viện nghiên cứu các binh chủng thống nhất Hoàng gia Anh) là rất đúng khi so sánh lực lượng và khả năng của quân đội Anh và Trung Quốc.

Theo đó, tổng số binh sĩ Trung Quốc là 2,3 triệu người, gấp 10 lần so với Anh (225.000). Tuy nhiên nước Anh mà lâu nay ít ai còn xem là một cường quốc quân sự hùng mạnh, vẫn có mọi cơ hội thắng Trung Quốc, nếu có xung đột xảy ra ở địa bàn cách xa hai nước như nhau.

Những năm gần đây, sự phát triển của quân đội Trung Quốc trở thành mối quan tâm lớn trên thế giới, trong khi quân đội Anh không ngừng phải cắt giảm ngân sách và quân số. Tuy nhiên, Anh vẫn duy trì khả năng đáng nể về việc điều động lực lượng đến các khu vực xa xôi trên trái đất, và vượt trội Trung Quốc về trình độ đào tạo các đơn vị lẫn trang bị kỹ thuật.

Khả năng của Anh trong việc điều động lực lượng quân sự đến nhiều khu vực xa xôi, như châu Phi hay Trung Đông, là vượt hẳn so với Trung Quốc. Vấn đề không chỉ ở số lượng phương tiện kỹ thuật mà Trung Quốc có thể gia tăng nhanh chóng, mà là ở kinh nghiệm phong phú của người Anh trong việc tác chiến ở những khu vực xa xôi trên trái đất. Kinh nghiệm đó được họ tích lũy hàng trăm năm qua và vẫn còn được duy trì và nhân bản cẩn thận.

Mặc dù Anh có vị trí địa lý và diện tích không phù hợp, nhưng quân đội Anh thường xuyên hiện diện ở những khu vực và vùng khí hậu khác nhau, xử lý hiệu quả các vấn đề từ hậu cần, bảo dưỡng thiết bị, sẵn sàng tác chiến cũng như đảm bảo sức khỏe quân nhân.

Quân đội Trung Quốc tuy có số binh sĩ đông gấp 10 lần Anh nhưng thua xa về khả năng và kinh nghiệm tác chiến lẫn trang bị kỹ thuật - Ảnh: Reuters

Bên cạnh sự hiện diện quân sự, người Anh còn có kinh nghiệm duy trì các hoạt động chiến sự liên tục. Nói chung, trong lĩnh vực kinh nghiệm và đào tạo binh sĩ cho các hoạt động chiến đấu ở chiến trường tại các khu vực xa xôi trên địa cầu, chỉ có Mỹ và một phần nào đó là Pháp mới có thể sánh được với Anh.

Mặc dù bị cắt giảm ngân sách, ngay cả khả năng kỹ thuật quân sự của Anh vẫn không hề thua kém Trung Quốc. Hạm đội Anh đang giảm dần số lượng tàu chiến, hiện không có một tàu sân bay nào hoạt động. Tuy nhiên đến năm 2020, theo kế hoạch sẽ có hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth được triển khai và sẵn sàng tác chiến, mỗi tàu chứa 50 máy bay.

Hai tàu này là chiếc HMS Queen Elizabeth (trọng tải 65.000 tấn, dài 283 m, ngang 70 m, có thể so sánh với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ) đang hoàn tất ở Rosyth (Scotland), sẽ hạ thủy vào mùa hè 2014. Chiếc thứ hai là HMS Prince of Wales, sẽ hạ thủy năm 2017.

Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc chưa sẵn sàng cho khả năng chiến đấu. Trung Quốc còn trong quá trình đào tạo phi công tàu sân bay và cần nhiều thời gian để có được năng lực điều hành hoạt động trong các điều kiện phức tạp.

Với kinh nghiệm sẵn có và sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ, các tàu sân bay Anh sẽ được triển khai hoạt động tại những khu vực xa xôi trên trái đất sớm hơn hai tàu sân bay mới mà Trung Quốc đang đóng.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập luyện trên Biển Đông. Theo nhận định của chuyên gia thế giới, tàu này chưa sẵn sàng cho khả năng chiến đấu - Ảnh: Hải quân Trung Quốc

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang đóng tại Rosyth (Scotland), sẽ hạ thủy vào mùa hè 2014. Chiếc thứ hai sẽ hạ thủy năm 2017 - Ảnh: Hải quân Anh

Anh có lực lượng không quân vận tải chiến lược hùng mạnh và được trang bị tốt, trong đó bao gồm 8 máy bay C-17A Globemaster II và 32 chiếc C-130, kể cả loại C-130J mới nhất. Anh sở hữu nhiều hơn Trung Quốc tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ hạt nhân (6 chiếc so với 5 của Trung Quốc), và thủy thủ đoàn có trình độ vượt trội về kỹ thuật và đào tạo hơn Trung Quốc.

Đừng quên rằng Anh hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng tàu ngầm hạt nhân trong hải chiến thực sự: Năm 1982 tàu ngầm hạt nhân Conqueror của Anh đã đánh chìm tàu tuần dương Đô đốc Belgrano của Argentina tại cuộc chiến Malvinas/Falklands.

Về sự hiện diện kinh tế ở những khu vực khác nhau trên thế giới, Trung Quốc từ lâu đã vượt qua các cường quốc thực dân cũ như Anh và Pháp. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn kém xa Anh, Pháp trong khả năng bảo vệ công dân và tài sản ở nước ngoài. Anh đang tham gia cuộc chiến chống khủng bố với Mỹ, lực lượng Anh hiện diện từ Afghanistan đến Cyprus, Trung Đông và các lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Còn Pháp vừa qua đã có chiến thắng thuyết phục tại Mali ở châu Phi và nay đang triển khai chiến dịch ở Cộng hòa Trung Phi.

Thật khó mà tưởng tượng rằng quân đội Trung Quốc có khả năng tương tự.

Tất nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục những điểm yếu cản trở quân đội của mình mở rộng địa bàn triển khai ở các vùng trên thế giới. Với việc gia tăng khả năng về công nghệ, huần luyện đào tạo, xây dựng hạm đội và máy bay vận tải, có thể đến thập kỷ tới quân đội Trung Quốc có thể trở thành một lực lượng tầm cỡ toàn cầu.

Hải quân Anh có thể triển khai đến mọi nơi trên thế giới. Ảnh: Đồ họa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng khu trục hạm Daring (Type 45) - Ảnh: Bộ quốc phòng Anh

Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth sẽ sử dụng trực thăng Merlin săn ngầm và tiêm kích F-35 loại dùng cho tàu sân bay, trực thăng vận tải để đổ bộ thủy quân lục chiến từ tàu - Đồ họa: Bộ quốc phòng Anh

Anh Sơn

Nguồn Tin Nóng: http://tinnong.vn/pages/20140118/quan-doi-trung-quoc-chua-the-bang-anh.aspx