Quan hệ Ấn Độ - Pakistan lại có nguy cơ đổ vỡ

Quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ đang có dấu hiệu được cải thiện kể từ sau vụ tấn công vào Mumbai, hồi tháng 11/2008, thì nay lại phải trải qua một thử thách mới. Các cơ quan tình báo Ấn Độ ghi nhận vụ khủng bố làm 9 người chết và hơn 50 người bị thương tại thành phố Pune hôm 13/2 vừa qua giống một cách kỳ lạ với vụ khủng bố tại Mumbai trước đó làm 166 người chết và khoảng 600 người bị thương.

Vụ đánh bom làm rung chuyển thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ, là một hành động khủng bố quy mô lớn đầu tiên giáng vào Ấn Độ, kể từ sau các vụ đánh bom tại Mumbai tháng 11/2008. Mục tiêu của vụ tấn công lần này là German Bakery, một quán cà phê rất được người nước ngoài tại Pune ưa chuộng. 2 trong số 9 nạn nhân bị chết là một phụ nữ người Italia và một người đàn ông Iran. Theo The Telegraph, nhật báo của vùng Calcutta, Ấn Độ, thì những mục tiêu của vụ đánh bom hôm 13/2 cũng là những mục tiêu của các vụ khủng bố tại Mumbai hồi tháng 11/2008, đó là tạo cho người Ấn Độ và người nước ngoài cảm giác đang sống trong tình trạng nguy hiểm. Tờ báo này giải thích rằng German Bakery và Leopold Café (một trong những mục tiêu đánh bom khủng bố hồi năm 2008 tại Mumbai) đều là những nơi du khách nước ngoài, sinh viên và người dân Ấn Độ thường lui tới. Chính không khí nhộn nhịp và sự hiền hòa đó đã khiến những nơi này dễ dàng trở thành mục tiêu của những phần tử quá khích. German Bakery nằm kế bên tu viện Osho và trung tâm văn hóa Do Thái dòng Ioubavitch (Chabad House) của thành phố Pune. Tháng 11/2008, Chabad House ở Mumbai cũng là một trong những mục tiêu tấn công của những phần tử khủng bố đến từ Pakistan. Hơn nữa, không ai có thể quên được rằng David Headley, tên thật là Daoud Gilani, đã từng ghé qua tu viện Osho tại Pune hồi tháng 3/2009. Phần tử khủng bố người Mỹ gốc Pakistan này cũng từng âm mưu thâm nhập Chabad House tại Pune khi giả dạng một người Do Thái. Tại đây, y đã tiến hành việc do thám địa bàn để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công trong tương lai. Headley làm việc cho tổ chức Lashkar-e-Taiba (LeT), một nhóm khủng bố Hồi giáo chống Ấn Độ đóng tại Pakistan. Bị cáo buộc tham gia vào công tác chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố tại Mumbai tháng 11/2008, y đã bị FBI bắt giữ tại Chicago tháng 10/2009. Các nhà điều tra khi đó phát hiện ra rằng Headley đã tham gia vào các vụ tấn công khủng bố tại Ấn Độ, Đan Mạch năm 2005. Ba ngày sau khi diễn ra vụ khủng bố trên, một tổ chức mang tên Lashkar-e-Taiba al Almi, đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm. Đây là một tổ chức cho đến giờ không ai biết đến. Tờ The Hindu của Ấn Độ, hôm 16/2 cho biết là họ đã nhận được một cú điện thoại của một người đàn ông khẳng định là ông ta đã thực hiện vụ khủng bố tại Pune, nhân danh tổ chức Lashkar-e-Taiba al Alm nói trên. Nhân vật này tự nhận mình thuộc một nhóm đã ly khai khỏi tổ chức Lashkar-e-Taiba, vì bất đồng quan điểm. Sở dĩ họ đã khủng bố ở Pune, đó là vì chính quyền Ấn Độ không chịu thảo luận về Kashmir với Pakistan, và vì New Delhi đi theo Washington. Tuy nhiên, giới điều tra Ấn Độ đã tỏ ra rất thận trọng trước lời thừa nhận nói trên. Ngay sau vụ khủng bố hôm 13/2, các nhân viên điều tra Ấn Độ đã nghĩ đến tổ chức Hồi giáo cực đoan Pakistan Lashkar-e-Taiba, từng thực hiện các vụ khủng bố đẫm máu ở Mumbai vào năm 2008. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ, P. Chidambaram, muốn trấn an dư luận khi tuyên bố rằng cần phải chờ những kết quả điều tra chính thức. Nếu LeT là đối tượng tình nghi hàng đầu thì rất nhiều nhà phân tích cũng nghi ngờ LeT (IM), một nhóm Hồi giáo cực đoan người Ấn Độ, từng gây ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu tại nhiều thành phố của Ấn Độ trong năm 2008. Vấn đề cần xác định là Indian Mujahideen có quan hệ như thế nào với Lashkar-e-Taiba. Tổ chức khủng bố này hiện nay vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của một bộ phận quân đội Pakistan. Đầu tháng 2/2010, Abdur Rehman Makki, nhân vật số hai của Jamaat-ud-Dawa (JuD), một tổ chức đại diện của LeT núp dưới các hoạt động nhân đạo, đã tuyên bố trong một cuộc míttinh tại Islamabad rằng Delhi, Pune và Kanpur là những mục tiêu tấn công hàng đầu của LeT. Với những bằng chứng trên, Cảnh sát Ấn Độ tình nghi những lời thú nhận của người tự cho mình thuộc tổ chức Lashkar-e-Taiba al Alm nói trên là một âm mưu đánh lạc hướng. Ngay sau vụ khủng bố hôm 13/2, Chính phủ Ấn Độ đã lo sợ rằng những thành phố khác cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố. Do vậy, ngày 14/2, 3 thành phố lớn là New Delhi, Indore và Kanpur đều đã được đặt trong tình trạng báo động. Ngoài ra, chiến dịch truy quét các phần tử Taliban trong vùng Helmand, Afghanistan, do Mỹ tiến hành từ đêm 13 đến rạng sáng ngày 14/2 cũng được cho là động lực khiến những kẻ khủng bố tổ chức vụ đánh bom tại Ấn Độ. LeT hay các nhóm cực đoan khác thân Taliban có ý định mở một mặt trận mới ở phía đông Pakistan, giáp biên giới với Ấn Độ, để buộc Chính phủ Pakistan phải phân tán lực lượng vốn được huy động chống lại các nhóm khủng bố đang hoạt động tại phía tây nước này. Theo các nhà phân tích, nếu các nhà điều tra tìm thấy bất cứ một bằng chứng nào cho thấy Pakistan có liên quan tới vụ tấn công tại Pune thì những cố gắng nhằm nối lại đàm phán hòa bình giữa New Delhi và Islamabad có nguy cơ bị đổ vỡ từ trong trứng nước. Hoàn toàn chẳng phải ngẫu nhiên mà vụ khủng bố trên lại diễn ra đúng lúc các nhà chức trách đưa ra thông báo rằng Ngoại trưởng Ấn Độ và Pakistan sẽ gặp nhau vào ngày 25/2 tới tại New Delhi để tái khởi động các cuộc đàm phán vốn bị cắt đứt từ sau các vụ khủng bố tại Mumbai năm 2008. Các phe đối lập tại Ấn Độ hiện đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hủy bỏ cuộc hội đàm sắp tới và cáo buộc Pakistan vẫn dung túng cho các phần tử khủng bố. Xem ra quan hệ giữa hai quốc gia Nam Á này còn lâu mới được cải thiện

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2010/3/71717.cand