Quan hệ giữa cán bộ và người dân theo nguyên lý nào?

Các quan điểm chính trị học ngày nay đều dựa trên hai phạm trù cơ bản “nhà nước” và “nhân dân” theo nguyên lý “nhà nước của dân, do dân, vì dân” vốn quyết định nguyên tắc vận hành của bộ máy chính quyền và mang ý nghĩa thiết thực hàng ngày đối với cuộc sống từng người dân. Mỗi khi cán bộ, công chức hành xử có vấn đề, nguyên lý này lại được đưa ra như một thước đo để kiểm định.

Chính vì tầm quan trọng đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay khi mới giành được chính quyền, cách đây tới 72 năm, đã cụ thể hóa thành nguyên tắc về mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với người dân: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, tập 4, trang 283). Nghĩa là, người dân được lấy làm thước đo (gốc, mục đích), quyết định bộ máy nhà nước (đuổi chính phủ), thải hồi cán bộ công chức sai phạm.

Mới đây nhất, tân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khi nhậm chức: “Cán bộ phải biết nghe dân, biết sợ khi dân không hài lòng”.

Trước vụ việc cụ thể như vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) vừa qua, Bộ trưởng, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng tuyên bố “tinh thần của chúng ta (cán bộ, công chức) là hết sức minh bạch, hết sức công khai, và sòng phẳng”, “nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi”.

Khái niệm cán bộ, công chức ở đây có thể hiểu ba nghĩa: (1) Nghĩa một tổ chức, cơ quan công quyền, mang tính “tập hợp” tất cả thành viên của cơ quan đó; (2) Nghĩa pháp nhân, tổ chức cơ quan đó có tư cách pháp nhân do người đứng đầu đại diện thay mặt; (3) Nghĩa cụ thể từng thành viên cán bộ, công chức thực thi công vụ (“từ chủ tịch nước đến giao thông viên“).

Với ba nghĩa trên, khi cả tổ chức, cơ quan hay một thành viên nào trong tổ chức đó sai, tập thể tất cả thành viên trong tổ chức đó không chịu trách nhiệm trước pháp luật mà chỉ người đại diện pháp nhân cùng những thành viên trực tiếp sai phạm chịu trách nhiệm. Tòa án không bao giờ xét xử bị cáo là một tổ chức mang tính tập hợp, ra bản án chung áp dụng “đổ đồng“ cho tất cả thành viên trong tổ chức đó (trong lịch sử những chế độ độc tài bị tòa án quốc tế xét xử, chỉ tổng thống và cá nhân chịu trách nhiệm chính trước tòa).

Vì vậy, khi cơ quan công quyền sai, tập hợp tất cả thành viên của nó chỉ có thể nhận lỗi theo nghĩa đạo đức và chính trị đối với bên bị thiệt hại (Ở Đức, nhiều đời tổng thống đã tới các nơi đặt bia tưởng niệm nạn nhân diệt chủng của Đức Quốc xã ở nước ngoài đặt vòng hoa và thay mặt nước Đức xin lỗi dân tộc họ).

Còn về trách nhiệm pháp lý của cán bộ công chức và đại diện pháp nhân sai phạm, Luật Cán bộ, công chức quy định các hình phạt “hành chính” bao gồm: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc (điều 78 và 79).

Một vài điều trong Luật Công chức BeamtStG của Đức quy định về trách nhiệm và quyền hạn của công chức có thể là một nguồn tham khảo tốt cho các nhà làm luật Việt Nam.

Luật của họ quy định hình phạt hành chính chỉ có mỗi “thôi việc” (điều 21) bởi thực ra công chức cũng chỉ là người hưởng lương làm việc theo “hợp đồng lao động” hoặc “quy chế” như bất kỳ người lao động nào. Quy định như vậy để công việc hành chính được công chức thực thi tự động, độc lập, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, mà không cần bất kỳ một sự chỉ đạo, lãnh đạo nào (ngoại trừ cấp trên họ, nếu có).

Cách đây dăm năm, Hội người Việt Leipzig tổ chức Tết Nguyên đán có mời thị trưởng thành phố này tới dự. Trước giờ khai mạc, cảnh sát tới phong tỏa hội trường bởi kiểm tra chống cháy trước đó không bảo đảm điều kiện luật định. Lãnh đạo hội năn nỉ viện lý do đã mời thị trưởng, các quan chức đến dự và họ đang trên đường đến. Cảnh sát trả lời, “ngay cả Tổng thống, Thủ tướng đến cũng vậy thôi, bởi chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật với tính mạng của cộng đồng về nguy cơ hỏa hoạn chứ không phải họ”.

Đặc biệt điều 36 của luật này hoàn toàn khác ta. Họ quy định công chức phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cá nhân đối với pháp luật khi thực thi công vụ. Nếu thấy công vụ đó vi phạm luật pháp thì phải báo cáo cấp trên không được chậm trễ. Nếu không được chấp nhận thì báo cáo vượt cấp. Nếu vẫn không được chấp nhận, hoặc trong trường hợp khẩn cấp thì phải chấp hành mà không bị chịu trách nhiệm cá nhân, tuy nhiên chỉ trong trường hợp hành xử đó không vi phạm nhân phẩm, không vi phạm luật hình sự hay hành chính mà công chức đó có thể nhận biết được. Quy định này nhằm bảo đảm cho bộ máy công chức vô hiệu hóa được các mệnh lệnh hành chính của bất kỳ cấp trên nào trái pháp luật, trái quy định hành chính, xâm phạm lợi ích người dân. Nên ở họ không có vấn nạn quan chức từ thấp lên cao vi phạm pháp luật, tham nhũng; chỉ cần vụ lợi 700 euro như cựu Tổng thống Wulff là đã bị điều tra, mất chức.

Trong khi đó, Luật Cán bộ, công chức của ta quy định họ được miễn trách nhiệm khi chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nếu đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành (điều 77). Luật Đức không thể có điều khoản này, bởi theo họ như vậy vô hình trung đã đặt quyết định của người đứng đầu trên cả pháp luật, như vương tước. Như vậy cũng có nghĩa bất kỳ cấp trên nào cũng có thể sử dụng các cấp dưới hành xử trái pháp luật, bất chấp nhân phẩm, lợi ích, tính mạng người dân.

Thực tế ở ta, mọi sai phạm, vụ lợi của những cán bộ lãnh đạo cấp trung ương bị kỷ luật vừa qua tự mình họ không thể nào thực hiện được, nếu không sử dụng cấp dưới vốn được quyền hành xử trái pháp luật mà không bị hề hấn gì nên nhất mực phục vụ họ. Rốt cuộc, nếu không cải cách được thể chế trên lĩnh vực hành chính, thì mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước dù đúng đắn tới đâu cũng có thể bị ách tắc, biến dạng bất kỳ lúc nào khi qua công đoạn bộ máy hành chính cán bộ, công chức thực thi bởi những lỗ hổng luật định như vậy.

Ở Đức, cựu Tổng thống Wulff buộc phải từ chức ngày 17-2-1012 (biện pháp hành chính), bởi một ngày trước đó, Viện Kiểm sát Hannover đệ đơn lên Quốc hội Liên bang yêu cầu hủy ngang quyền miễn trừ dành cho tổng thống để mở cuộc điều tra cáo buộc tội vụ lợi (thuộc hình sự). Bởi vì, vào năm 2007, khi đi nghỉ mát cuối tuần ở Syl, ông tổng thống này được người bạn chủ xưởng phim bao tiền khách sạn, khi đi dự Lễ hội tháng 10 ở München thì được khách sạn miễn phí phòng ở cho con trên 700 euro mà không thuộc diện được hưởng tiêu chuẩn đãi ngộ.

Ai có thẩm quyền chỉ thị cho viện kiểm sát tiểu bang ra quyết định điều tra tổng thống liên bang, để thực hiện “hết sức minh bạch, hết sức công khai, và sòng phẳng” (nghĩa là không ngoại trừ một ai)? Không ai cả, mà đó là chức năng, thẩm quyền của các cơ quan tố tụng, cũng như bất kỳ cơ quan công quyền nào khác được mặc định là độc lập (có tư cách pháp nhân). Người đứng đầu phải có trách nhiệm tự tổ chức thực hiện, nếu không chính họ sẽ bị pháp luật chế tài, được quy định tại Luật Công chức Đức BeamtStG.

Vì vậy, ở Đức, bất kỳ quan chức đứng đầu cấp nào cũng đều trong trạng thái luôn bị pháp luật giám sát, bị chế tài nếu để xảy ra sai phạm. Như trường hợp ở Leipzig cách hai năm trước, một người mẹ trẻ đơn thân nghiện hút bị sốc ma túy chết trong nhà, đứa con ba tuổi bị bỏ đói, khát đã chết theo bên mẹ, tới hơn chục ngày sau hàng xóm mới phát hiện. Lập tức viện kiểm sát cho mở cuộc điều tra lên tận thị trưởng - đại diện pháp nhân cho chính quyền địa phương.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160186/quan-he-giua-can-bo-va-nguoi-dan-theo-nguyen-ly-nao.html/