Quan hệ Hàn-Triều: Đến lúc thể hiện thái độ tỉnh táo

BizLIVE - Lịch sử của nền ngoại giao cho thấy rằng, việc đề xuất những sáng kiến thú vị nhưng rõ ràng không thể chấp nhận được là một động thái khá phổ biến.

Ảnh minh họa. - Nguồn: The Voice of Russia

Trước Tết âm lịch CHDCND Triều Tiên đã hướng tới Hàn Quốc với một đề nghị bất ngờ: sau Tết Nguyên đán, nên dừng lại công tác tuyên truyền thù địch và dừng lại “hoạt động quân sự thù địch”. Ở đây nói cả về các cuộc tập trận quân sự.

Đề nghị này có vẻ rất hấp dẫn, nhưng, Seoul không thể chấp nhận nó với hình thức này, và Bình Nhưỡng hiểu rõ điều đó. Theo kế hoạch, vào tháng 2 sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự thường kỳ Mỹ-Hàn. Hoạt động này được tổ chức hàng năm, và nếu cuộc tập trận bất ngờ bị hủy bỏ thì chắc chắn sẽ gây ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Vì thế Hàn Quốc không có ý định hủy bỏ cuộc tập trận và nhắc nhở rằng, hoạt động quân sự này được thực hiện mỗi năm theo kế hoạch, rằng, quân đội CHDCND Triều Tiên cũng tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, vào ngày 17 tháng Giêng, phía Hàn Quốc đã tuyên bố rằng, đề xuất của Bình Nhưỡng là không thể chấp nhận được.

Lịch sử của nền ngoại giao cho thấy rằng, việc đề xuất những sáng kiến thú vị nhưng rõ ràng không thể chấp nhận được là một động thái khá phổ biến. Trong quan hệ giữa hai miền Hàn-Triều cũng không hiếm khi như vậy. Đặc biệt là, không chỉ Triều Tiên mà cả Hàn Quốc cũng làm như vậy.

Ví dụ, mấy năm gần đây, Seoul đã nhiều lần hứa với Bình Nhưỡng sẽ hỗ trợ thuận lợi về mọi mặt và sẽ nhượng bộ chính trị đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Rõ ràng là chính phủ CHDCND Triều Tiên không thể chấp nhận điều kiện này, nhưng, Seoul vẫn tiếp tục đưa ra đề nghị như vậy.

Nhiều nhà quan sát ngay lập tức nhận xét rằng, khi Bình Nhưỡng đưa ra đề nghị mới này mà chắc chắn sẽ bị từ chối, Triều Tiên đang chuẩn bị cơ sở cho một loạt hành động nhằm tăng cường sự căng thẳng trên bán đảo.

Nói cách khác, Bình Nhưỡng có thể lặp lại các sự kiện đã từng xảy ra vào tháng Ba và tháng Tư năm ngoái khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố "bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh" và khuyến nghị người nước ngoài nên rời khỏi Hàn Quốc càng sớm càng tốt.

Nguy cơ như vậy đang xảy ra. Cố ý leo thang tình hình căng thẳng cũng là một động thái phổ biến trong nền ngoại giao thế giới, và các nhà ngoại giao Triều Tiên thường làm như vậy.

Bình Nhưỡng cố ý làm trầm trọng thêm tình hình mỗi khi các đối tác của Triều Tiên không đồng ý thương lượng hoặc không chịu nhượng bộ trong các vấn đề quan trọng đối với nước này. Và Bình Nhưỡng cho rằng, cuộc khủng hoảng được tính toán kỹ lưỡng và nằm dưới sự kiểm soát có thể buộc các đối tác phải nhượng bộ. Cần phải thừa nhận rằng, chiến lược này có thể mang lại kết quả.

Vào thời điểm hiện nay cũng có cơ sở để áp dụng chiến lược gây sự căng thẳng. Đã mấy tháng liền, Triều Tiên tìm mọi cách thuyết phục Seoul đồng ý bắt đầu cuộc đàm phán về việc nối lại hoạt động của khu du lịch Kymgan là một nguồn quan trọng cấp ngoại tệ vào ngân khố Triều Tiên.

Nhưng, Seoul chưa sẵn sàng đàm phán về các vấn đề kinh tế và muốn tập trung vào vấn đề nhân đạo. Trong những điều kiện như vậy, phương án gây áp lực lên Hàn Quốc là rất hấp dẫn đối với Triều Tiên: trước hết đưa ra một đề xuất rõ ràng là không thể chấp nhận được, và sau khi nó bị từ chối thì cáo buộc Seoul có những âm mưu quỷ quyệt và thực hiện những bước đi để làm trầm trọng thêm tình hình.

Có lẽ, Bình Nhưỡng hy vọng rằng, đợt căng thẳng mới có thể thúc đẩy Seoul bắt đầu cuộc đàm phán và nhượng bộ.

Nhưng, không loại trừ khả năng, đề xuất của Bình Nhưỡng là một bằng chứng cho thấy rằng, CHDCND Triều Tiên muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Dù ngay từ đầu mọi người hiểu rõ, Seoul không thể chấp nhận sáng kiến này (nói chính xác hơn, một điều kiện – hủy bỏ cuộc tập trận quân sự), nhưng, với sáng kiến này Bình Nhưỡng cho thấy rằng, họ sẵn sàng đàm phán.

Như vậy, có thể hiểu sáng kiến mới của Bình Nhưỡng theo hai cách - như là bước đầu tiên trong "chiến dịch căng thẳng" hoặc là một nỗ lực thuyết phục Seoul bắt đầu cuộc đàm phán và nhượng bộ. Trong tương lai gần sẽ rõ cách nào là đúng. Hy vọng rằng, cách giải thích lạc quan sẽ trở thành hiện thực. Đến lúc để cả hai bên thực hiện thái độ tỉnh táo và biết nhượng bộ.

Theo Tiếng Nói Nước Nga

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/quan-he-hantrieu-den-luc-the-hien-thai-do-tinh-tao-76146.html