Quan hệ Mỹ - Iran nóng lên từng giờ

Kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký ban hành Luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống Iran, cuộc đối đầu giữa hai nước càng gia tăng khiến dư luận lo ngại quan hệ Mỹ - Iran lại đang đứng trước vòng xoáy khủng hoảng mới.

Bộ Quốc phòng Iran đăng ảnh chụp kho tên lửa mới. Ảnh: AFP

Liên tiếp đòn trả đũa

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran không được tốt đẹp trong nhiều thập kỷ qua và đang tiếp tục xấu đi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 10-8, ông Trump lại cáo buộc Iran không giữ đúng tinh thần của thỏa thuận hạt nhân toàn diện (viết tắt là JCPOA) đã đạt được với các cường quốc thế giới vào năm 2015, đồng thời tái khẳng định đây là một “thỏa thuận tồi”. Một ngày sau đó, Iran đã có hành động đáp trả khi phản đối tuyên bố trên, đồng thời cáo buộc Tổng thống Mỹ thể hiện “dụng ý xấu” đối với văn kiện mang tính lịch sử này.

Thời gian qua, Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Mới đây nhất, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Luật siết chặt trừng phạt Iran, vốn đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua trước đó với ý do Iran tiếp tục chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. Đây là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Trump.

Trong một động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ, Quốc hội Iran ngày 13-8 đã thông qua khoản ngân sách trị giá hơn nửa tỷ USD tài trợ cho chương trình tên lửa của nước này cũng như các hoạt động ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Theo truyền thông Iran, dự luật ngân sách mà Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani gọi là “gói biện pháp đương đầu với các hành động khủng bố và phiêu lưu của Mỹ tại khu vực”, sẽ cho phép chính phủ giải ngân thêm 260 triệu USD cho các chương trình phát triển tên lửa và một khoản tiền tương đương cho các chiến dịch của lực lượng IRGC ở nước ngoài - được gọi là Lực lượng Quds. Đây là lực lượng dẫn dắt vai trò quân sự của Iran ở Syria và Iraq.

Giới chức ngoại giao Iran cho rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran là một kế hoạch nhằm giảm bớt những lợi ích mà Tehran có được từ thỏa thuận hạt nhân, và sẽ tác động tiêu cực đối với việc thực thi thành công văn kiện này. Iran cũng cảnh báo họ luôn sẵn sàng cho bất cứ kịch bản nào trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân bị phá vỡ.

Có thể thấy, từ khi Tổng thống Trump bước chân vào Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Iran đã gia tăng căng thẳng sau giai đoạn nồng ấm ngắn dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Năm 2015, Iran, Mỹ và các cường quốc khác trong Nhóm P5+1 là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức đã ký thỏa thuận, theo đó Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc các nước dỡ bỏ trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy nhiên, Mỹ chỉ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân, còn vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, khi lên nắm quyền, ông Trump đã nhiều lần khẳng định sẽ tìm cách thắt chặt nội dung của thỏa thuận cũng như triển khai thỏa thuận một cách nghiêm ngặt hơn, thậm chí ông còn từng tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận lịch sử này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng chính quyền Trump luôn muốn chấm dứt thỏa thuận hạt nhân và đang cố đổ lỗi cho Iran để tránh bị cô lập.

Mặc dù phản đối và lên án các hành động trừng phạt của Mỹ là “phi lý”, song thực tế Iran cũng không ngừng theo đuổi phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của mình. Mới đây, ngày 27-7, Iran đã phóng tên lửa đẩy Simorgh có khả năng chở một vệ tinh 250 kg vào không gian. Tên lửa đẩy 3 tầng Simorgh, hay còn gọi là Safir-3, là thành quả của nhiều năm phát triển và cả nhiều cuộc thử nghiệm thất bại của Iran, làm cơ sở cho tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Sau động thái thử nghiệm tên lửa này, Mỹ đã lập tức áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khác đối với Iran.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: AFP

Từ bỏ con đường ngoại giao là sai lầm lớn

Tổng thống Iran Hassan Rouhani gần đây đã có lần tuyên bố rằng Iran có thể phá vỡ thỏa thuận hạt nhân trong trường hợp Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Tehran. Song theo Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Trung Đông ở Tehran Kayhan Barzegar, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào lúc này không nằm trong kế hoạch chính trị của Iran, bởi Tehran hiểu rõ hơn ai hết rằng thỏa thuận này rất có ý nghĩa đối với họ, nó không chỉ giúp quốc gia Hồi giáo này thoát khỏi cấm vận và sự bế tắc chiến lược, mà còn giúp đẩy lùi các mối đe dọa an ninh từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Barzegar cũng cho rằng nếu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, tình hình một lần nữa trở nên xấu đi thì khi đó, theo quan điểm lợi ích chiến lược của Iran, thỏa thuận hạt nhân sẽ bị đe dọa một cách nghiêm trọng.

Có thể nói thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và Nhóm P5+1 đã giúp cải thiện lớn tình hình kinh tế, môi trường quốc tế và an ninh của Iran. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm thống kê quốc gia Iran, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Iran từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017 là 8,3%, tỷ lệ lạm phát lần đầu tiên trong 20 năm đã giảm xuống mức một con số, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đã khôi phục về mức trước khi bị cấm vận.

Các chuyên gia lưu ý rằng trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân Iran luôn có nguyên tắc các bên cùng có lợi. Vì vậy, Mỹ và Iran không nên từ bỏ các nỗ lực ngoại giao trong quan hệ giữa hai nước. Nếu lựa chọn giải pháp quân sự, Mỹ sẽ phải chấp nhận một chiến dịch tốn kém, dễ bị sa lầy trong một môi trường tác chiến phức tạp. Iran có diện tích gấp ba lần Iraq, bao gồm đủ các loại địa hình từ rừng núi, sa mạc cho tới đồng bằng.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ phải tính đến hình thái chiến tranh đường phố, do khoảng 70% dân số Iran tập trung ở các thành phố. Nếu chiến tranh nổ ra, kết cục mà Mỹ nhận được là một cuộc can dự không hiệu quả và tốn kém. Về phía Iran, giải pháp quân sự với Mỹ sẽ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế đang trên đà hồi phục và trong trường hợp tệ nhất, Iran có khả năng rơi vào nội chiến.

Chuyên gia Barzegar cũng cảnh báo nếu Mỹ cố gắng phá hoại việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân để gây sức ép về chính trị và kinh tế với Iran, khi đó Chính phủ Rouhani sẽ tìm cách đối phó với tình huống này, và một trong những khả năng có thể là nối lại chương trình hạt nhân.

Cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis cũng cho rằng: “Nếu thỏa thuận hạt nhân chấm dứt, Iran có thể tiếp tục chương trình làm giàu urani, và các nghị sĩ Mỹ cần ghi nhớ điều này khi họ quyết định đấu tranh để hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đặc biệt, hành động quân sự chống Iran sẽ mở rộng và kéo dài cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và một cuộc chiến tranh với Iran sẽ là một kịch bản vô cùng phức tạp”

Như Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quan-he-my-iran-nong-len-tung-gio/