Quan hệ Nga - Ukraine: Chìm trong nghi kỵ và bất đồng

Quan hệ giữa Mátxcơva và Kiev lại có chiều hướng xấu đi. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) vừa cho biết đã đập tan một âm mưu tấn công vũ trang của lực lượng đặc nhiệm Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Crimea, nơi đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Các vụ xung đột làm một binh lính Nga và một nhân viên FSB thiệt mạng. Cùng với đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy cả hai bên đang triển khai quân đội ở khu vực biên giới. Căng thẳng leo thang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về chu kỳ đối đầu mới giữa hai quốc gia láng giềng.

Nga và Ukraine đang có những động thái quân sự ở khu vực xung quanh Crimea.

Ngay sau vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hành động của Ukraine là một tội ác và điều này tác động tiêu cực đến việc tổ chức các cuộc đối thoại về tiến trình hòa bình tại miền Đông Ukraine đã được lên kế hoạch trước đó. Người đứng đầu nước Nga nhận định, thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp hay giải pháp hòa hoãn, Kiev đã tiếp cận theo cách của “những kẻ khủng bố”. Theo FSB, mục đích của các hành động này nhằm gây mất ổn định trong khu vực trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga vào tháng tới. Đáp lại, Ukraine phủ nhận những cáo buộc và cho rằng đây là một nỗ lực của Nga nhằm bào chữa cho việc tái triển khai các đơn vị quân đội tại Crimea.

Ông Norman Dzhelalov, Phó Chủ tịch Tatar Mejilis ở Crimea, đại diện cho dân tộc Tatar trên bán đảo này cho biết, một số lượng lớn thiết bị quân sự của Nga đã tiến vào gần Armiansk và Dzhankoy. Lực lượng biên phòng ở Kherson đã phát hiện 9 máy bay trực thăng Mi-8 của Nga trên đất Crimea, dọc theo ranh giới với Ukraine. Theo Người phát ngôn quân đội Ukraine, ông Vladislav Seleznev, hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Crimea trùng hợp với việc chuẩn bị cho cuộc diễn tập mang tên Caucasus-2016 bắt đầu từ tháng 9 tại phía Nam nước Nga.

Về phía Ukraine, việc triển khai quân đội cũng đã được thực hiện. Đại diện chính thức lực lượng công an của Cộng hòa Luhansk tự xưng, ông Andrei Marochko cho biết, an ninh Ukraine đã bố trí các cứ điểm hỏa lực tại Donbass, dọc theo biên giới với Nga từ cuối tháng 7. Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu
các lực lượng vũ trang nước này, ông Vladislav Seleznev, loan báo Ukraine tăng cường triển khai thiết bị và binh lính ở vùng Kherson của Ukraine, gần bán đảo Crimea nhằm ứng phó một cách nhanh chóng và hiệu quả đối với các tình huống bất ngờ từ phía Mátxcơva.

Sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột tại miền Đông Ukraine, quan hệ hai nước luôn trong trạng thái căng thẳng. Gần đây nhất, Nga đã liên tục yêu cầu Ukraine trả món nợ 3 tỷ USD mà nước này vay năm 2013. Mátxcơva thẳng thừng tuyên bố sẽ đề nghị tòa án phong tỏa các tài sản ở nước ngoài của Ukraine để siết nợ nếu Kiev có ý định “chây ỳ”. Phía Nga cũng liên tục thúc giục, yêu cầu Tòa án London (Anh) nhanh chóng giải quyết hồ sơ kiện liên quan đến khoản nợ 3 tỷ USD này của Ukraine.

Những mâu thuẫn tiếp tục gia tăng khi Cơ quan An ninh Ukraine cấm 243 công ty Nga xuất khẩu hàng hóa sang nước này vì đã hợp tác với các doanh nghiệp đặt tại vùng lãnh thổ Donbass không thuộc kiểm soát của Kiev.

Trên lĩnh vực ngoại giao, quan hệ giữa hai nước cũng đang đứng trước cơn sóng mới. Vừa qua, Ukraine không đồng ý với đề xuất của Mátxcơva về việc bổ nhiệm ông Mikhail Babich, người từng giữ chức vụ cấp cao tại Nga, trong đó có FSB, làm Đại sứ Nga nhiệm kỳ tiếp theo tại nước này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sau khi Kiev từ chối vị Đại sứ mới của Nga và từ chối thảo luận về chủ đề này ở cấp nhà nước, “các quan chức Ukraine đã cắt đứt sợi dây vốn mỏng manh trong mối quan hệ chính thức với nước Nga”.

Trong khi đó, những cơ chế đối thoại có sự tham dự của cả Ukraine và Nga vẫn lâm vào bế tắc. Nhóm tiếp xúc về Ukraine (gồm đại diện phe ly khai tại Ukraine, Nga cùng OSCE) trong cuộc họp mới nhất tại Minsk liên quan đến xung đột ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine) đã không đạt được thỏa thuận về việc rút các lực lượng ở dọc đường giới tuyến. Còn những nỗ lực thảo luận về một tiến trình chính trị cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine của “Nhóm Bộ tứ Normandy” gồm Ukraine, Đức, Pháp, Nga cũng chưa có tiến triển đáng kể nào, ngoại trừ việc duy trì lệnh ngừng bắn tại đây.

Với hàng loạt khác biệt trong nhiều vấn đề, mối quan hệ vốn đã xuống cấp nghiêm trọng giữa Nga và Ukraine lại tiếp tục chìm sâu hơn vào nghi kỵ và bất đồng. Hệ quả tình trạng này chắc chắn sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của hai nước, mà còn tác động đến an ninh, hòa bình tại khu vực.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/844267/quan-he-nga---ukraine-chim-trong-nghi-ky-va-bat-dong