Quan hệ với Mỹ lạnh nhạt, Trung Quốc xích gần vào Đức?

Ocirc;ng Tập Cận Bình đang sẵn sàng nhẹ nhàng lấp vào khoảng trống mà ông Donald Trump đã tạo ra giữa Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: New York Times

Theo New York Times, bắt đầu từ hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh G20 bao gồm đại diện chính phủ của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chính thức khai mạc tại Hamburg, Đức. Thế giới đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin.

Cùng lúc đó, tất nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang dự hội nghị G20. Ông Tập Cận Bình đang sẵn sàng nhẹ nhàng lấp vào khoảng trống mà ông Donald Trump đã tạo ra giữa Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn xây dựng nên hình ảnh một Trung Quốc luôn ủng hộ hệ thống đa phương, tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế.

Trước hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa hoàn tất chuyến làm việc ngắn ngày với chính phủ Đức và dự tiệc tối với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong chuyến thăm này, phái đoàn Trung Quốc đã giúp Đức xây dựng vườn gấu trúc với món quà là 2 chú gấu trúc đến từ Trung Quốc, tham dự trận bóng đã giao hữu giữa hai đội trẻ Trung Quốc và Đức. Rõ ràng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo được nhiều dấu ấn trong lòng người Đức.

Thời gian gần đây, bà Angela Merkel cũng không hề ngại ngần tuyên bố trước thế giới về sự khác biệt về quan điểm giữa bà và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Với những gì vừa làm trên đất Đức, ông Tập Cận Bình đã đi những bước vững chắc trong việc củng cố quan hệ với bà Angela Merkel, người phụ nữ không chỉ được coi như nhà lãnh đạo quan trọng nhất châu Âu mà còn là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của thế giới phương Tây.

Nhà học giả chuyên các vấn đề châu Á tại Hội đồng quan hệ quốc tế châu Âu ở Berlin, bà Angela Stanzel, nhận xét: “Cuộc bầu cử tại Mỹ mới đây đã giúp thay đổi vị thế của Trung Quốc tại châu Âu. Trung Quốc nổi lên trong vai trò nước bảo vệ cho chủ nghĩa đa phương và thương mại tư do toàn cầu. Trung Quốc và Đức cùng chia sẻ quan điểm này. Chính vì vậy, khi Mỹ rút đi, Trung Quốc tất yếu thế chân.”

Thậm chí từ nhiều tháng qua trước chuyến đến thăm Đức lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tận dụng chủ nghĩa dân tộc và chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump để làm nổi lên vai trò của Trung Quốc trong xu thế ủng hộ tự do thương mại toàn cầu. Trước đây, đã từng có nhiều năm Mỹ giữ vững vị trí tiên phong trong vai trò này.

Kinh tế Đức tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, chính vì vậy không khó hiểu tại sao bà Merkel lại quyết liệt bảo vệ các hiệp định thương mại đã ký, bảo vệ hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trong khi ông Donald Trump quyết định rút đi.

Cùng lúc đó, chính phủ Đức cũng có nhiều tác động để bảo vệ cho Trung Quốc trong nhiều chính sách của châu Âu, trong đó có thể kể đến các vấn đề thương mại hay nhân quyền.

Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình vào ngày thứ Tư tuần này, bà Merkel nói: “Tôi rất vui được chào đón ông trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn. Trung Quốc và Đức có thể cùng hợp tác với nhau để làm giảm những yếu tố gây xáo trộn. Hai nước hiện đã xây dựng được quan hệ chiến lược toàn diện.”

Trước chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đến thăm Đức vào cuối tháng Năm.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố nước Mỹ đã không còn là đồng minh thân cận của Đức và rằng châu Âu cần phải tự quyết định lấy số phận của mình.

Giờ đây, trong các tài liệu vận động tranh cử của bà Merkel, bà nhắc đến Mỹ như đối tác quan trọng nhất bên ngoài châu Âu, cách đây bốn năm cụm từ đó là “người bạn quan trọng nhất” của nước Đức. Bà Angela Merkel sẽ ra tái tranh cử vào tháng Chín năm nay.

Tất nhiên, quan hệ Trung Quốc – Đức không phải lúc nào cũng toàn “hoa thơm trái ngọt”, quan hệ Trung Quốc – châu Âu cũng vậy thế nhưng họ vẫn phải ngồi lại với nhau vì muốn cùng làm thương mại đa phương, song phương.

Trong năm vừa qua, nhiều quan chức chính phủ và công chúng Đức đã lên tiếng chỉ trích hoạt động đầu tư của người Trung Quốc vào Đức, đặc biệt họ lo ngại về tác động của làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào một số ngành công nghệ then chốt mà Đức đang rất có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới.

Chính trong năm ngoái, bà Merkel cực kỳ lo lắng khi nhà đầu tư Trung Quốc mua lại công ty Kuka Robotics vốn có vị trí cực kỳ quan trọng trong ngành sản xuất của Đức. Theo quan điểm của người Đức, người Trung Quốc đang muốn nhanh chóng làm chủ công nghệ Đức.

Thế nhưng tất cả các vấn đề trên không thấm vào đâu nếu so sánh với những căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ thời gian gần đây. Chắc chắn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề muốn quan hệ Trung Quốc – Châu Âu sẽ xấu đi cùng lúc với quan hệ Trung Quốc – Mỹ, chính vì vậy những nỗ lực xích lại gần Đức và các nước châu Âu lúc này là hoàn toàn cần thiết, theo nhận định của giám đốc tổ chức nghiên cứu Chatham House tại London, ông Robin Niblet.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/quan-he-voi-my-lanh-nhat-trung-quoc-xich-gan-vao-duc-2942515.html