Quản lý chi NS chưa thực sự hiệu quả

Tiếp tục thảo luận về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, nhiều ĐBQH cho rằng, quản lý chi ngân sách tại một số nơi chưa thực sự triệt để tiết kiệm, hiệu quả...

Báo cáo quyết toán năm 2008 của Chính phủ đã phản ánh khá sát thực tình hình tài chính, ngân sách nhà nước, bám sát các Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương và tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quản lý ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước tuy vượt dự toán gần 20%, nhưng cơ cấu thu lại không sát với dự toán và nguồn thu chưa thực sự vững chắc; tăng thu chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu, mà không phải tăng thu từ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, quản lý chi ngân sách tại một số nơi chưa thực sự triệt để tiết kiệm, hiệu quả. Hầu hết địa phương thu không đủ chi, phải nhận trợ cấp bổ sung từ ngân sách Trung ương lại có số chi chuyển nguồn lớn và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Việc chấp hành các quy định về quản lý thu ở một số địa phương, đơn vị còn chưa nghiêm, nhiều sai phạm trong quản lý thuế diễn ra với các hình thức và mức độ khác nhau, số nợ đọng còn lớn. Trước thực tế này, nhiều đại biểu kiến nghị, cần tăng cường vai trò của Kiểm toán, kể cả kiểm toán tư nhân, kiểm toán độc lập, để đánh giá thực chất hiệu quả của các nội dung chi ngân sách nhà nước, nhất là với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; chấm dứt tình trạng bố trí vốn dàn trải, thiếu hiệu quả cũng như các dự án chưa đủ thủ tục, tình trạng chạy dự án… Một số đại biểu kiến nghị, trong báo cáo quyết toán ngân sách cần bổ sung phụ lục, thuyết trình những khoản thu - chi ngoài ngân sách, cũng như tăng hiệu lực phê chuẩn, giám sát thu - chi ngân sách của Quốc hội hơn nữa. Tác giả : Dương Hương

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/quan_ly_chi_ns_chua_thuc_su_hieu_qua_______71ab3602c4.html